Từ năm 2020, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã tiến hành 6 hố khai quật nội thành với tổng diện tích 25.000 m2. Đây được coi là cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Khảo cổ học Việt Nam, tính về tổng số diện tích trong một lần khai quật. Kết quả phát hiện được 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần - Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê sơ, 1 cụm kiến trúc thời Lê trung hưng.
Kiến trúc xưa dưới lòng đất
Tròn 10 năm Thành nhà Hồ được vinh danh di sản văn hóa thế giới (2011 - 2021), các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm kiếm các dấu tích tiềm ẩn dưới lòng đất. Đặc biệt, từ tháng 8/2020, một cuộc khai quật quy mô lớn diễn ra đã phát hiện những kết quả bất ngờ.
Theo thông tin từ Viện Khảo cổ, dấu tích kiến trúc thời Trần - Hồ đã được phát hiện tại các hố khai quật ở khu vực trung tâm (nền Vua), khu vực Đông Nam và Tây Nam. Trong đó, cụm di tích trung tâm tính từ phía Nam lên phía Bắc dài 200m, rộng 80m (tổng diện tích khoảng 16.000 m2), bao gồm 10 kiến trúc.
Với dấu tích nhiều cổng, hành lang bao quanh, nhiều kiến trúc lớn ở phía Bắc kết nối với nhau cho thấy, đây có thể là không gian trung tâm, không gian chính điện của Thành nhà Hồ.
Cụm kiến trúc phía Đông nền Vua xuất hiện 2 cụm dấu tích kiến trúc nhiều gian với kết cấu móng cột gia cố phân bố đều nhau trên diện tích rộng. Tại đây, cụm kiến trúc phía Bắc phát lộ kiến trúc nhiều gian, nhiều vì: Mỗi vì 2 cột, theo hướng Bắc - Nam.
Cụm kiến trúc phía Tây nền Vua cũng đang phát lộ dấu tích kiến trúc nhiều gian, nhiều vì, mỗi vì 4 cột.
Đối với tổ hợp kiến trúc khu vực Đông Nam đã phát hiện khá đầy đủ các kiến trúc gồm 6 đơn nguyên như chính điện, tiền điện, hậu điện, tả vu, hữu vu, hành lang Đông – Tây. Thậm chí, còn có kiến trúc cổng ở phía trước được bố trí cân xứng, với quy mô khoảng 60 - 80m.
Kiến trúc thời Lê sơ và Lê trung hưng cũng được phát hiện, với 4 dấu tích được xây bằng gạch vồ, ngói âm dương. Móng cột nhỏ khoảng 0,7m x 0,8m được xây dựng bằng gạch ngói vụn thời Lê sơ; 2 dấu tích kiến trúc thời Lê trung hưng xây bằng gạch vồ, ngói âm dương…
Từ cuộc khai quật này, giới nghiên cứu xác định được dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn nhất trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam ở khu vực trung tâm Thành nhà Hồ.
Đồng thời, giới khảo cổ cũng xác định tổ hợp kiến trúc khá hoàn chỉnh phía Đông Nam, được tương truyền là Đông Thái Miếu - nơi thờ tổ tiên của nhà Hồ.
Khôi phục Chính điện
Các nhà khoa học cho biết, di vật đã tìm thấy tại Thành nhà Hồ gồm nhiều loại hình vật liệu kiến trúc, như gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý - Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long cùng nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch có in chữ Hán. Đồng thời, tại các hố khai quật còn tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần, Hồ và thời Lê sơ.
Tại buổi công bố kết quả khai quật, giới khoa học khẳng định, dưới lòng đất Thành nhà Hồ vẫn tiềm ẩn rất nhiều các di tích kiến trúc của nhiều thời kỳ khác nhau. Bởi vậy, cần có định hướng để bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn và dành nguồn kinh phí đầu tư cho di sản tạo thành bức tranh tổng thể.
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, theo tính toán ban đầu cộng với địa danh nền Vua, dự đoán đó có thể là dấu tích Chính điện của thành Tây Đô. Nếu đúng, đây sẽ là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử kinh đô Việt Nam được phát hiện.
Từ những căn cứ khoa học và kinh nghiệm bảo tồn phát huy di sản của quốc tế, ông Tín cho rằng chúng ta có thể học Nhật Bản để khôi phục lại Chính điện Thành nhà Hồ như họ từng khôi phục cố đô Nara.
Nara của Nhật Bản là một cố đô cổ kính được thành lập vào năm 710. Các nhà khảo cổ xứ sở hoa anh đào đã bảo tồn Nara trong nhiều năm với các phương pháp khoa học và cẩn thận. Khi phục dựng Chính điện và cửa Chu Tước của di tích này cũng được khôi phục tạo thành tổng thể đầy đủ.
PGS.TS Tống Trung Tín nói: “Hai cái nền của họ rất quan trọng khi phục dựng. Cái giếng Vua của Nara, bên cạnh còn thấy cả bếp, lò nấu sake, họ phục dựng rất giống. Bên trái là vườn thượng uyển”.
GS Phạm Mai Hùng góp ý, nên tiến hành các bước để khôi phục công trình liên quan tại Thành nhà Hồ. Từ đó, hình thành bức tranh tổng thể kiến trúc chính điện phù hợp với chính sử ghi chép và các nghiên cứu Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Ông Hùng cũng cho rằng, tại di tích Nara (Nhật Bản), ngoài phục hồi di tích còn có hệ thống bảo tàng với nội dung chính là các hiện vật, các công trình trong quá trình nghiên cứu đã phát lộ.
Nhật Bản làm rất tốt vấn đề này và Nara trở thành một thành phố tham quan độc đáo, thu hút đông đảo khách du lịch. Thành nhà Hồ cũng có thể áp dụng cách này, tăng doanh thu bán vé.
TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho rằng, lần khai quật này cho thấy rõ mặt bằng kiến trúc. Từ mặt bằng nghiên cứu so sánh để tái phục hồi điện, cổng. Đồng thời cần có phương án bảo vệ giữ gìn di tích, tránh bị hủy hoại bởi yếu tố thời tiết.