Ngày 9/1, Viện khảo cổ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Trung tâm Bảo tồn di sản thành Nhà Hồ (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa) đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả sơ bộ khái quát hào thành phía Đông – Tây Thành nhà Hồ.
Theo đó, năm 2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản thành Nhà Hồ tiếp tục khai quật di tích hào thành phía Đông và Tây với tổng diện tích hơn 7.000m2 nhằm mục đích tìm hiểu rõ hơn về kiến trúc hào thành khu vực thành Nhà Hồ. Đánh giá vị trí khu vực hào thành với mối tương quan giữa kiến trúc hào và hệ thống tường thành phía trên. Hố khai quật tại hào thành Đông với diện tích 3.000m2 , phía Tây có với diện tích 4.000m2.
Dấu tích của hệ thống hào phía Đông thành Nhà Hồ vừa được khai quật. |
Cuộc khai quật đã thu được một số kết quả bước đầu, các nhà khảo cổ đã khẳng định: Hệ thống hào thành Nhà Hồ có một nền gia cố chân thành phía Đông rộng từ 75m đến 80m. Hệ thống kè hào được gia cố bằng đá khối kích thước nhỏ, vừa và đất sét lẫn nhiều sạn sỏi laterite đầm chặt, phần lòng hào thành rộng từ 50m đến 55m, độ sâu tới trên -680cm so với cos 0 (2,8m so với bề mặt hiện tại). Kết cấu bờ kè Tây (kè trong) xuất lộ với độ dốc thoai thoải so với chân thành, cách khu vực tường thành khoảng 90m; Bờ kè Đông (kè ngoài) cách khu vực tường thành Đông khoảng 145m.
Theo dấu tích mà các nhà khảo cổ đã chứng minh, thì bờ kè trong và kè ngoài của hệ thống hào thành Nhà hồ được xác định so với mặt tường thành, là: Khu vực phía Nam dấu tích bờ kè trong rộng từ 90m, kè ngoài rộng 145m so với mặt tường Nam. Phía Bắc bờ kè trong rộng 60m, bờ kè ngoài rộng khoảng 115m so với mặt tường Bắc. Phía Đông bờ kè trong rộng 90m, bờ kè ngoài rộng 145m so với mặt tường Đông và phía Tây bờ kè trong rộng 90m, bờ kè ngoài rộng 145m so với mặt tường Tây.
Dấu tích đá kè hệ thống hào phía Đông thành Nhà Hồ vừa được khai quật. |
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã thu được những di vật trong hố khai quật chủ yếu nằm trên khu vực nền gia cố chân thành, một phần nhỏ ở lớp lắng đọng hào, bao gồm các loại hình chính: Nhóm các loại hình vật liệu kiến trúc; Nhóm các loại hình đồ dùng sinh hoạt; Nhóm công cụ sản xuất có niên đại kéo dài từ thời Lý, Trần-Hồ-Lê sơ-Lê Trung hưng-Nguyễn chủ yếu là các tảng đá khối nhỏ và dăm đá, vật liệu gạch, ngói, tiền đồng, đồ sành, đồ gốm sứ...
Tại buổi hội thảo, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, cho rằng: Kết quả sơ bộ khái quát hào thành phía Đông – Tây thành Nhà Hồ đã gúp các nhà khoa học, nhà khảo cổ Việt Nam chứng minh được được hệ thống hào bao quanh Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới là một hệ thống thủy cổ, mang tính chất quân sự bảo vệ thành. Tuy nhiên, đây mới là kết quả sơ bộ bước đầu của đợt khai quật năm 2019.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia. |
Do đó, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đề nghị Trung tâm Bảo tồn di sản thành Nhà Hồ cần đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan quan, đơn vị liên quan để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời ông cũng đề nghị các cơ quan ban ngành tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm hơn nữa đến việc khôi phục lại hệ thống hào của thành Nhà Hồ.
Bởi lẽ, theo kết quả khai quật khảo cổ, hệ thống hào của thành Nhà Hồ là hệ thống thủy cổ, mang tính chất quân sự. Do đó, để khôi phục được hệ thống hào bao quanh thành Nhà Hồ, cần có sự đầu tư, kinh phí của Nhà nước, để sau khi khôi phục xong, có thể đón khách du lịch đến tham quan và đi thuyền xung quanh hệ thống hào quanh thành Nhà Hồ.
Cũng theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, kết quả sơ bộ ban đầu của việc khai quật, khảo cổ hệ thống hào xung quanh thành Nhà Hồ là bước đệm để tiến hành khai quật, khảo cổ chi tiết vùng lõi trong thành...
Cũng theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, căn cứ kết quả của ba lần nghiên cứu khai quật, khảo cổ hào thành, các nhà khoa học khẳng định đã có đủ cơ sở để phục dựng lại kiến trúc hào thành của thành Nhà Hồ theo quy hoạch tổng thể mà Thủ tướng Chính phủ đã phê năm 2015.