Phát huy vai trò NCKH của sinh viên

Phát huy vai trò NCKH của sinh viên

(GD&TĐ)-Chất lượng và số lượng các đề tài NCKH của sinh viên gần đây được các trường ĐH rất quan tâm. Tuy nhiên, có một thực tế là, số lượng đề tài cũng như lượng sinh viên tham gia NCKH có tăng lên nhưng khả năng ứng dụng đề tài còn hạn chế; tính thụ động trong học tập và nghiên cứu của sinh viên vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Sinh viên khoa Sư phạm kỹ thuật (ĐHSP Hà Nội) thực hành. Ảnh: gdtd.vn
Sinh viên khoa Sư phạm kỹ thuật (ĐHSP Hà Nội). Ảnh: gdtd.vn

Còn quá nhiều cái khó

Hầu hết các trường ĐH đều khẳng định và thấy được tầm quan trọng của công tác NCKH. Điều này được thể hiện ở việc, công tác tổ chức phát động sinh viên tham gia NCKH đã trở thành một hoạt động thường niên của nhiều trường. Bản thân sinh viên cũng nhận thức được qua NCKH sẽ giúp rèn luyện khả năng tư duy, khả năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình và nhiều kỹ năng khác, từ đó, hỗ trợ rất tốt cho nghề nghiệp trong tương lai. Nhưng, nhận thức như vậy, sao chất lượng các công trình NCKH vẫn không nhiều khởi sắc? Phản ảnh từ các trường cho rằng, còn quá nhiều cái khó.

PGS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội cho biết, mặc dù được coi là một trong những đơn vị được ĐHQG Hà Nội đầu tư rất công phu về cơ sở vật chất phục vụ công tác NCKH nhưng các phòng thí nghiệm hiện đại vẫn còn thiếu, một số máy móc được trang bị cho trường đã dần trở nên lỗi thời, lạc hậu so với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó, thời gian đầu tư cho công tác NCKH còn quá ít, thường sinh viên năm cuối mới tham gia NCKH để có kiến thức bổ trợ thực hiện khóa luận tốt nghiệp. Một số thầy cô chưa định hướng cho sinh viên những nghiên cứu mang tính ứng dụng mà chỉ đơn thuần là nghiên cứu lý thuyết. Trình độ ngoại ngữ của sinh viên hạn chế nên dẫn đến hạn chế rất lớn trong việc đọc tài liệu để khai thác, phục vụ nghiên cứu.

“Tất cả các bộ môn trong trường đều tổ chức xêmina khoa học thường xuyên, tuy nhiên chỉ thu hút được lượng rất nhỏ sinh viên tham gia do hầh hết chưa được tiếp cận thường xuyên với những hoạt động mang tính nghiên cứu, do vậy, sinh viên còn rất thụ động, bỡ ngỡ, tự ti” - PGS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định.

Còn theo ThS.Huỳnh Đức Thiện – ĐH KHXH&NV (ĐHQG HCM) – khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức hoạt động sinh viên NCKH vẫn là kinh phí. Kinh phí dành cho sinh viên NCKH thường quá eo hẹp, chỉ có tính chất giúp đỡ một phần nên nhiều sinh viên ngại tham gia hoặc tham gia nhưng không dám triển khai rộng, sâu vì tốn kém.

Cũng theo ThS.Huỳnh Đức Thiện, có một thực tế đáng buồn là một số cán bộ, giảng viên không muốn tham gia hướng dẫn sinh viên làm đề tài khoa học; phần đông giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên làm khoa học là cán bộ trẻ, trong khi đó, phần lớn các cán bộ trẻ còn rất ít kinh nghiệm trong việc hướng dẫn NCKH.

Sinh viên phải thực sự say mê

Nhân rộng và nâng cao hiệu quả của phong trào sinh viên NCKH cần nhiều tiến hành tổng thể nhiều giải pháp như xây dựng môi trường học tập, nghiên cứu cho sinh viên ngay từ khi bước chân vào trường; đẩy mạnh học ngoại ngữ cho sinh viên; đầu tư thích đáng cho hoạt động NCKH; có biện pháp thích hợp để hỗ trợ, khuyến khích cả sinh viên tham gia NCKH và giảng viên hướng dẫn nghiên cứu; đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu...

Tuy nhiên, nhân tố chính của phong trào sinh viên NCKH chính là bản thân các sinh viên. Thượng tá, TS.Đặng Thị Cẩm Thủy (Học viện CSND) cho rằng, NCKH theo đúng nghĩa của nó không hẳn là một hoạt động phong trào, càng không phải là hoạt động thư giản, giải trí mà nó là lại lao động trí tuệ đầy cực nhọc, một hoạt động tự thân mà sinh viên nếu không có sự đam mê, sự say sưa sẽ không bao giờ đi đến cùng để tìm ra chân lý.

GS.TS.Ngô Xuân Dân (ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) thì nhấn mạnh: Đã tới lúc cần khẳng định và nhấn mạnh trên thực tiễn vai trò của hoạt động NCKH đối với mọi sinh viên, không những như một phong trào của Đoàn, Hội sinh viên mà đó chính là một khâu quyết định đối với chất lượng đào tạo của tất cả các trường ĐH...

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em gái Pakistan phải làm ruộng thay vì được đi học.

Bất bình đẳng giáo dục tại Pakistan

GD&TĐ - Pakistan đối mặt với khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng, khi hơn 26 triệu trẻ em không được đến trường, phần lớn ở các vùng nông thôn.