Thành tựu lớn trong xây dựng nông thôn mới
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình, thịnh vượng.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là công cuộc đòi hỏi phải có sự nỗ lực, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động triển khai thực hiện nhiều nội dung, việc làm cụ thể, sáng tạo để vận động hội viên nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phong trào “Nông dân thi đua xây dựng NTM” mang lại hiệu quả thiết thực.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 (ngày 5/8/2008) của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Nghị quyết đã đề ra mục tiêu quốc gia bắt đầu từ việc “xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường".
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, và 9 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân, cả nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc.
Khu vực nông thôn nước ta đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Từ 2008 đến 2019, cả nước đã huy động được 2.418.471 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD). Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 319.289 tỷ đồng (bình quân khoảng 35,9 tỷ đồng/xã trong 9 năm), chiếm 13,2%, trong đó chủ yếu là ngân sách địa phương các cấp (chiếm 83%), ngân sách trung ương là 54.300 tỷ đồng (chiếm 17%). Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trong 4 năm, giai đoạn 2016 – 2019 tăng 1,84 lần so với cả 5 năm giai đoạn 2010 – 2015.
Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010 - 2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.
Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi triều ngang ven biển, hải đảo. Bên cạnh đó, cũng đã có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, đã có 8 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM là Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, đạt mức tăng 2,78 lần với mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên mức 38,9 triệu đồng/người năm 2018; khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm). Thời gian qua, đã có hàng trăm hộ dân ở các tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ninh… tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, thể hiện sự thay đổi về chất trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương phát động, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025”. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Có 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Có 80% số xã đạt chuẩn NTM; 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM áp dụng đối với cấp thôn theo quy định; Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tổng kết đến tháng 6 năm 2020, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn NTM, tăng 371 xã (4,2%) so với cuối năm 2019; có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã; có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 14 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Khẳng định vai trò chủ thể của người nông dân
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân địa phương mà cụ thể nòng cốt là người nông dân đang đóng vai trò chủ thể xây dựng NTM.
Khi tham gia vào quá trình xây dựng NTM, với sự hỗ trợ của Nhà nước, người nông dân được từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực.
Chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi” dựa trên quan điểm của Đảng ta “lấy dân làm gốc” là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn.
Với chủ trương nêu trên, người nông dân được quyền lợi, nghĩa vụ và sự hiểu biết về các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn từ mục đích, quy mô xây dựng công trình, các yêu cầu đóng góp từ cộng đồng, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng người dân được hưởng lợi.
Đặc biệt, chính là sự tham gia lao động trực tiếp từ người dân vào các hoạt động phát triển nông thôn như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các hoạt động của các nhóm khuyến nông, khuyến lâm, nhóm tín dụng tiết kiệm và những công việc liên quan đến tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng công trình.
Theo đó, người dân trực tiếp tham gia vào quá trình cụ thể trong việc lập kế hoạch có sự tham gia cho từng hoạt động thi công, quản lý và duy tu bảo dưỡng, từ những việc tham gia đó đã tạo cơ hội cho người dân có việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, việc giao cho chính người dân kiểm tra và quản lý các công trình sau khi xây dựng đã tránh được tình trạng không rõ ràng về chủ sở hữu công trình. Việc tổ chức của người dân tham gia duy tu, bảo dưỡng công trình nhằm nâng cao tuổi thọ đã phát huy tối đa hiệu quả trong việc sử dụng công trình…
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, có thể khẳng định việc thực hiện xây dựng NTM là biện pháp tổng hợp để phát triển nông thôn. Nông thôn Việt Nam đã mang một diện mạo mới, người nông dân đã có vị thế mới, là lực lượng nòng cốt đóng góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng NTM. Qua đó, vai trò chủ thể của người dân càng được khẳng định trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở nước ta, là hướng đi đúng đắn, mang lại sự thành công lớn lao trong hiện nay.