Phát huy vai trò của chuyển đổi số khuyến khích học tập suốt đời

GD&TĐ - Chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 do các địa phương lựa chọn, trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đọc sách trong tiết học thư viện
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đọc sách trong tiết học thư viện

Cung ứng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người trong bối cảnh giãn cách xã hội

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo Sở GD&ĐT, Hội Khuyến học tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời.

Theo đó, tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 được tổ chức từ ngày 1/10/2021 đến ngày 7/10/2021. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai Tuần lễ năm 2021 với hình thức, nội dung phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, tận dụng tối đa các nền tảng số; đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, các hoạt động của tuần lễ có thể tổ chức gồm: Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử của đơn vị, tổ chức liên quan, các trang mạng xã hội về tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số trong việc cung ứng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Tại các địa phương không thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tại các cơ sở giáo dục, các công xưởng, nhà máy, văn phòng, cơ quan và nơi công cộng; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chủ đề và các hoạt động của Tuần lễ để người dân biết và tham gia.

Khuyến khích các tổ chức thi đua đạt được các mức độ trưởng thành chuyển đổi số hiệu quả; kịp thời vinh danh các tổ chức và cá nhân có những giải pháp, sáng kiến về chuyển đổi số góp phần thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động dạy, học và các hoạt động thư viện trong các cơ sở giáo dục; tổ chức các lớp, khoá học trực tuyến miễn phí/ phí thấp cho trẻ em và người lớn… trong đó lồng ghép, giới thiệu các nội dung học tập, các bài học và học liệu phù hợp với từng nhóm đối tượng người học thông qua các phần mềm trực tuyến.

Thành lập các câu lạc bộ, diễn đàn, cuộc thi trực tuyến..., tạo điều kiện để mọi người dân được tham gia các hoạt động học tập, giao lưu lành mạnh, bổ ích, giúp tăng cường kết nối và góp phần đảm bảo sức khoẻ tinh thần và thể chất của người dân trong bối cảnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí ngoài trời bị hạn chế do đại dịch Covid-19.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân

Tạo sân chơi hữu ích phục vụ nhu cầu học tập suốt đời

Bộ GD&ĐT khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ phối hợp, đồng hành, tài trợ cho các tổ chức, cơ sở giáo dục triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên mạng Internet một cách an toàn, hiệu quả cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, cán bộ công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn; xây dựng và phát triển các ứng dụng (apps), trò chơi (games)… miễn phí có tính giáo dục kết hợp giải trí lành mạnh để tạo sân chơi hữu ích cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Các Đại học Học viện, Trường đại học, Trường CĐSP tăng cường vai trò trong việc cung cấp các nguồn tài nguyên học liệu mở (sách, báo, học liệu, bài giảng điện tử...), liên thông, liên kết với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Khuyến khích các cơ quan báo hình, báo điện tử tổ chức các sân chơi, diễn đàn, cuộc thi có chủ đề về cộng đồng số, công dân số… giúp học sinh, sinh viên và người dân tìm hiểu về các kỹ năng và năng lực thiết yếu của công dân trong thời đại số và toàn cầu hoá; khuyến khích người dân và các cộng đồng tích cực tham gia, tự đọc, ghi âm, ghi hình đóng góp, chia sẻ, dự thi.

Các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các diễn đàn giáo dục, hội thảo, hội nghị trực tuyến của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc tại địa chỉ https://uil.unesco.org để giao lưu, tìm hiểu thông tin và chia sẻ kinh nghiệm với các thành phố, quốc gia khác trên thế giới về cách tận dụng các nền tảng số để tổ chức các hoạt động học tập và giáo dục không chính quy và phi chính quy, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân trong bối cảnh đại dich Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.