Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Công tác giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, đây là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Kết quả công tác xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành quả nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội của mỗi địa phương.
Trong những năm qua, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành tiến độ các mục tiêu đặt ra về cả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và hỗ trợ các hộ nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội. Riêng năm 2023, huyện đã triển khai 5 dự án, gồm: mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản, mô hình trồng rau an toàn vụ đông... Tổng kinh phí thực hiện các dự án là trên 6,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Theo số liệu thống kê, toàn huyện đã giảm từ 2.098 hộ nghèo đầu năm 2022 xuống còn 1.193 hộ vào thời điểm hiện tại, vượt 182,3% kế hoạch đề ra. Như vậy, trung bình mỗi năm huyện Phú Bình giảm 0,65% hộ nghèo.
Ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Nhận thức rõ người dân là trọng tâm quyết định thành công của dự án, huyện Phú Bình đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn các cấp, ngành luôn bám sát, hỗ trợ, giải đáp kịp thời những thắc mắc, kiến nghị. Đặc biệt, đội ngũ thú y cơ sở chính là thành viên nòng cốt luôn đồng hành, tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi cho mỗi hộ dân.
Dự án nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững đang được triển khai trên địa bàn Huyện Phú Bình được người dân và chính quyền đánh giá là một trong những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. |
Người dân vui mừng phấn khởi
Theo chân cán bộ xã xuống thăm các hộ nghèo được thụ hưởng các dự án chăn nuôi thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững sẽ thấy được niềm vui, sự phấn khởi của nhiều người dân khi nhận được sự quan tâm đúng lúc, kịp thời.
Chị Lê Thị Hương, ở xóm Kén, xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, là một trong những hộ nghèo vừa được nhận hỗ trợ từ chương trình Mục tiêu quốc gia, chị Hương chia sẻ: Nhiều năm nay, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, cuộc sống nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, đầu năm nay, gia đình tôi đã được lựa chọn cấp con giống chăn nuôi, từ hôm được nhận bò giống, gia đình mừng lắm.
Con bò này gia đình tôi được nhận hỗ trợ từ dự án mà không phải đối ứng đồng vốn nào. Gia đình còn nhận được hỗ trợ men vi sinh, thức ăn hỗn hợp trong 4 tháng đầu khi nhận bò về và thuốc phun khử trùng. Ngoài ra, cán bộ thú y của xã cũng đến tận nhà tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, tẩy sán, ký sinh trùng định kỳ cho bò… Chính vì vậy, tôi rất yên tâm trong suốt quá trình nuôi bò.
Tương tự như gia đình chị Hương, tháng 1/2024, gia đình chị Hoàng Thị Thắm - hộ cận nghèo của xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành, huyện Phú Bình cũng được nhận hỗ trợ một con bò theo dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thuộc Ban dân tộc.
Sau gần 3 tháng nhận nuôi, con bò ăn khỏe, nhanh nhẹn, lông bóng mượt, tăng cân nhanh. Chị Thắm hồ hởi cho biết: “Bò khi nhận về đẹp lắm, nhanh khỏe, ăn tốt, nuôi mau lớn. Sắp tới, đến kỳ sinh sản, tôi sẽ cho phối giống để phát triển đàn vật nuôi”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch huyện Phú Bình với cách làm lấy người dân làm trọng tâm, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững thì việc triển khai nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn đã mang lại hiệu quả tích cực cho cộng đồng, góp phần tạo tiền đề để toàn huyện tiếp tục củng cố vững vàng các tiêu chí về nông thôn mới, tiến tới xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Năm 2024, huyện Phú Bình đặt đề mục tiêu giảm 0,78% tỷ lệ hộ nghèo. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với nhiều nguồn vốn phát triển sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động...