Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”

GD&TĐ - Chăm lo đời sống cho giáo viên là một cách để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của toàn xã hội và ngành Giáo dục thì việc tìm ra nguồn lực vật chất không dễ dàng. Điều đó đồng nghĩa công đoàn cơ sở nhà trường phải tìm ra những hướng đi sáng tạo phù hợp từ khó khăn thực tế. Phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, kêu gọi trách nhiệm, tình cảm từ đồng nghiệp cùng giúp nhau khi khó khăn… đang được nhiều nhà trường phát huy hiệu quả.

Chăm lo, ổn định đời sống nhà giáo để thầy cô yên tâm gắn bó và cống hiến
Chăm lo, ổn định đời sống nhà giáo để thầy cô yên tâm gắn bó và cống hiến

Phát huy vai trò Công đoàn cơ sở

Trong bối cảnh thu nhập của đa số giáo viên còn khó khăn, công đoàn các trường học đã xác định quan tâm tới đời sống tinh thần, vật chất cho cán bộ giáo viên như nhiệm vụ quan trọng để bù đắp những thiệt thòi, đồng thời giúp giáo viên yên tâm công tác.

Tại một số cơ sở giáo dục, BCH Công đoàn trường linh hoạt kết hợp với Ban giám hiệu cân đối nguồn kinh phí để tăng thêm các điều kiện về phòng làm việc, trang thiết bị phục vụ dạy học tốt hơn. Nhiều môi trường làm việc, giảng dạy, học tập, rèn luyện kĩ năng thực hành được cải thiện rõ rệt.

Quan tâm và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của CBGVNLĐ cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch qua các chế độ chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục như: Nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, phụ cấp thâm niên, chế độ nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi. Không ít BCH Công đoàn trường còn tạo điều kiện về cơ chế thời gian, kinh phí để CBGV có cơ hội, điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ trong quá trình công tác.

Ông Nguyễn Thanh Quang – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Quảng Trị -khẳng định: Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ CBNGNLĐ luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và được quán triệt đến các cấp công đoàn… Đặc biệt, công tác giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho CBNGNLĐ đặc biệt các nhà giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được các cấp công đoàn thực hiện nghiêm túc…

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Công đoàn các cấp đã làm tốt các hoạt động tình nghĩa như: Trợ cấp khó khăn, thăm hỏi, hiếu hỉ, các hoạt động tương thân tương ái giúp đỡ nhà giáolao động nghèo ổn định cuộc sống. Trong những dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tết… CĐGD các cấp đã tổ chức thăm hỏi và động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ có kèm vật chất nhằm động viên giúp đỡ trước mắt.

Đáng chú ý, hoạt động của Công đoàn cơ sở cũng luôn chú ý đến công tác nữ. Công đoàn phối hợp cùng nhà trường triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với cán bộ nữ; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tạo mọi điều kiện để giáo viên nữ được học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Vận động cán bộ viên chức khám sức khỏe định kì hàng năm; Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao như thi nấu ăn, giao lưu đánh cầu, liên hoan văn nghệ, tổ chức đi tham quan nghỉ mát nhân dịp nghỉ hè, nghỉ lễ để tạo tinh thần, không khí thoải mái…

Phát huy tinh thần tương thân tương ái từ đồng nghiệp

Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) - chia sẻ: Chăm lo đời sống giáo viên cả về tinh thần lẫn vật chất là mong muốn của BGH và công đoàn nhà trường. Sự chia sẻ ấy dù nhiều hay ít cũng góp phần động viên khích lệ giáo viên vượt qua hoàn cảnh, điều kiện khó khăn trước mắt.

Chính vì vậy, tại Trường TH xã Thanh Vân, dù nguồn quỹ hạn hẹp thì Công đoàn nhà trường vẫn tổ chức sinh nhật theo quý cho tất cả CBGV. Dù quà tặng chỉ là mòn quà nhỏ, bó hoa tươi, lời động viên chúc mừng, song các thầy cô cảm nhận sự ấm áp trong một mái nhà. Trong giây phút ấy họ quên đi tuổi tác, nỗi buồn… để vui sống, đồng thời siết chặt hơn tình cảm đồng nghiệp.

Cô giáo Dương Thị Huyền – Hiệu trưởng Trường MN xã Thanh Vân (huyện Quản Bạ, Hà Giang) - khẳng định: Ngân sách Nhà nước dành cho trường học chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm các hoạt động giáo dục của trường với 39 biên chế, 5 hợp đồng thời vụ. Đồng vốn của Công đoàn còn ít ỏi, không phải ai cũng được hưởng ưu ái này, cho nên Công đoàn nhà trường cố gắng sử dụng một cách chắt chiu và hiệu quả. Những hoàn cảnh vay quỹ phải được xét cẩn thận để đảm bảo tính công bằng. 

Tại Trường TH xã Thanh Vân, để ổn định và giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt trong đội ngũ giáo viên, nhà trường đã gây quỹ “Tình thương”. Mỗi năm, 49 CBGV cùng đóng góp mỗi người 200.000 đồng. Với nguồn quỹ gần 10 triệu đồng luôn để luân phiên giúp đỡ thầy cô có hoàn cảnh đặc biệt, đột xuất trong khoảng thời gian nhất định. Sau đó quỹ lại được luân phiên giúp đỡ hoàn cảnh khác. Đến nay, quỹ đã giúp đỡ được không ít hoàn cảnh thầy cô giáo gặp khó khăn, tai nạn, ốm đau bất ngờ… Thậm chí, chỉ với 10 triệu đồng, đã giúp được thầy cô giáo sửa chữa lại mái nhà, hệ thống chuồng trại chăn nuôi một cách hợp lý.

Chăm sóc đời sống giáo viên tại Trường TH xã Thanh Vân không chỉ bằng vật chất, tinh thần thiết thực mà BGH, Công đoàn nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện cho từng hoàn cảnh khó khăn cụ thể. Thầy giáo Mùng Lê Hà bị tai nạn lao động gãy chân phải nghỉ việc nằm bất động vài tháng. Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ giúp đỡ nhất định từ nhà trường, đồng nghiệp thì đến giai đoạn phục hồi, thầy Hà được tạo điều kiện kiêm nhiệm thêm việc nhẹ nhàng trông thư viện để tăng thêm thu nhập. Hay như trường hợp cô giáo Phạm Thị Phê, bị huyết áp, tai biến, gia đình neo người lại khó khăn về kinh tế thì nguồn quỹ “Tình thương” cộng thêm sự giúp đỡ của đồng nghiệp trong trường đã góp phần không nhỏ để cô Phê duy trì và ổn định chữa bệnh trong một thời gian.

Thực tế cho thấy, chăm lo đời sống cho giáo viên trong các trường vùng khó không thể thiếu đi vai trò của từng thầy cô giáo để phát huy sức mạnh tập thể và khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái” trong mỗi cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ