Phát huy thế mạnh đào tạo từ xa

GD&TĐ - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội chia sẻ quan điểm về công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Chia sẻ quan điểm về công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, ông Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng: Phương thức đào tạo từ xa không có tội; chỉ những người chưa hiểu, hoặc lợi dụng để trục lợi làm cho hiểu biết của xã hội bị sai lệch.

Tận dụng nguồn lực tri thức

- Quan điểm của ông như thế nào về công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài?

- Chúng ta đang xây dựng và phát triển đất nước với tư duy hội nhập, nên việc tận dụng các nguồn lực bên ngoài vô cùng cần thiết, đặc biệt là nguồn tri thức. Tôi đồng tình với việc công nhận văn bằng đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo nước ngoài đạt kiểm định; nhất là các quốc gia chúng ta đã có hiệp định về công nhận văn bằng, trình độ đào tạo. Lý do như sau:

Thứ nhất, theo nhà khoa học giáo dục Michel Develay: “Học là quá trình tự biến đổi và làm phong phú mình bằng cách chọn nhập và xử lý thông tin lấy từ môi trường xung quanh”. Rõ ràng, trong kỷ nguyên công nghệ số, tri thức mang tính toàn cầu, sống ở nước này học tập tại nước khác không còn là điều mới lạ.

Thứ hai: Phương thức đào tạo từ xa không có tội chỉ những người chưa hiểu hoặc lợi dụng nó để trục lợi làm cho hiểu biết của xã hội bị sai lệch. Theo tôi, học từ xa rèn cho người học tính độc lập, tự học cao. Hay nói cách khác, đây chính là đào tạo chủ động cho người học, giúp cho việc cá nhân học tập ở mức cao nhất.

Thứ ba: Không đẩy nhận thức, thúc đẩy sự học của người dân thì không thể phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Nhưng hệ thống trường lớp khó đáp ứng nếu toàn dân tham gia học tập, nâng cao trình độ. Như vậy, chỉ có thể mở rộng quy mô học tập bằng đào tạo từ xa, nhất là cơ sở giáo dục nước ngoài.

Hơn nữa, xu hướng thị trường lao động toàn cầu mở, khi có lao động nước ngoài đến làm việc, liệu chúng ta có kiểm soát được văn bằng đó là đào tạo từ xa hay truyền thống? Nếu không có chính sách tốt, sẽ làm khó người dân, tạo nên sự không công bằng trong xã hội.

Thứ tư: Để được công nhận, một điều kiện đã được quy định khi học các chương trình nước ngoài tại Việt Nam là năng lực ngoại ngữ: Nếu người học có đủ năng lực ngoại ngữ để học tập, đồng nghĩa họ đủ điều kiện tham gia lao động tại nước ngoài, hoặc doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Việc này rõ ràng giúp khả năng tìm việc của người dân mở rộng hơn.

Cuối cùng: Hãy vận hành xã hội theo năng lực tự thân, đừng bằng cấp hóa. Như vậy, việc trả lương, công nhận do thị trường quyết định và theo năng lực cống hiến, sáng tạo chứ không theo bằng cấp; các vị trí đặc biệt sẽ là thi tuyển. Thêm nữa không cơ sở giáo dục nào muốn từ chối chất lượng để kiếm tiền, đó cũng là triết lý nhân văn mà các trường mong muốn để phát triển bền vững.

Ông Trương Tiến Tùng.

Ông Trương Tiến Tùng.

Kiểm định là điều kiện quan trọng

- Vậy việc công nhận bằng cấp đào tạo từ xa nên kèm theo điều kiện nào để bảo đảm chất lượng?

- Việc công nhận bao giờ cũng kèm điều kiện. Cá nhân tôi cho rằng, ít nhất cần những yếu tố sau:

Trước tiên người học có đủ năng lực để tham gia học tập như đạt chuẩn đầu vào của cơ sở đào tạo (tốt nghiệp THPT), chứng nhận năng lực ngoại ngữ. Đây chính là điều kiện bảo đảm công nhận văn bằng.

Cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo được kiểm định quốc gia, quốc tế. Cơ sở giáo dục cấp bằng phải có uy tín với thị trường lao động (số lượng người học có việc làm sau đào tạo) của quốc gia sở tại (tránh chỉ đào tạo sinh viên nước ngoài), có uy tín trong xã hội và trên trường quốc tế. Tốt nhất, quốc gia có cơ sở giáo dục cấp văn bằng nên có hiệp định công nhận lẫn nhau về giáo dục với Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong kỷ nguyên số thì công khai hoạt động giáo dục đào tạo của cơ sở giáo dục là cần thiết. Như vậy, quá trình học tập, thi cử, bằng cấp của người học phải được lưu trữ (sử dụng công nghệ Blockchain) để tiện cho những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tra cứu.

- Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT đề cập đến điều kiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam (lấy ý kiến góp ý từ 12/6/2023 đến 12/8/2023) không còn có nội dung trên. Điều này có phải quy định về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sẽ rộng mở hơn?

- Tôi ủng hộ thay đổi này và chúng ta cùng hy vọng công cuộc chuyển đổi số, xây dựng xã hội công bằng văn minh, mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm về mình trước xã hội sớm thành công.

Với việc này, cần nâng cao trách nhiệm cá nhân của người học. Để sử dụng được văn bằng nước ngoài, người học cần thêm các minh chứng về năng lực tham gia học tập của cá nhân (đầu vào xét tuyển hoặc thi tuyển; năng lực ngoại ngữ nếu tham gia học từ xa).

Với thời đại số, việc tra cứu sẽ không khó (các trường đều cung cấp khả năng tra cứu học tập/bảng điểm, văn bằng). Như vậy, người học khi lựa chọn cơ sở giáo dục cho mình, ngoài chất lượng còn cần tính minh bạch của quá trình và tra cứu kết quả đào tạo sau này cho người sử dụng lao động và nhà quản lý xã hội.

Chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, một trong những điểm mạnh của xã hội số là tính minh bạch, vậy nên để người dân tự quyết và chứng minh mình là ai. Điều đó hợp với xu hướng phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Xu thế hội nhập đòi hỏi sự bình đẳng. Muốn quốc gia khác công nhận năng lực của công dân Việt Nam, nhưng lại không công nhận công dân họ (môi trường giáo dục) thì sao gọi là bình đẳng? Chính vì vậy, công nhận văn bằng đào tạo từ xa của cơ sở giáo dục có kiểm định là công nhận nền giáo dục của nước ngoài; cũng là yếu tố để hội nhập với tư duy có đi, có lại. Tôi cho rằng, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. - Ông Trương Tiến Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.