Mặt khác, giáo viên (GV) cũng có môi trường mở để chủ động tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn, tận dụng tối đa phương tiện để đa dạng hóa các phương pháp dạy học.
Phát huy giáo dục trải nghiệm
Để ứng dụng mô hình nhà kính và lớp học STEM tại Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) vào thực tiễn, Ban giám hiệu và các GV của trường đã tiến hành tham quan thực tế các mô hình trồng cây thủy canh, trồng cây - nuôi cá và các mô hình có liên quan tại các địa phương khác.
Không chỉ thế, GV các bộ môn được nghiên cứu tài liệu có liên quan đến hệ thống - mô hình nhà kính, lớp học STEM, tập huấn sử dụng các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho lớp học STEM (Hệ thống sử dụng năng lượng sạch; dự báo thời tiết; xử lý nước; nuôi cá trồng cây; trồng rau thủy canh sử dụng công nghệ màng mỏng dinh dưỡng…).
GV cũng trực tiếp triển khai sử dụng các thiết bị này, áp dụng trực tiếp vào thực tế và rút ra các bài học kinh nghiệm từ thực tế. Sau khi GV nắm chắc công nghệ, thức hoạt động, cách sử dụng các thiết bị, nhà trường bắt đầu triển khai cho HS trải nghiệm.
Có thể nói, ứng dụng mô hình nhà kính và lớp học STEM vào GD tại Trường THPT Nguyễn Viết Xuân thu được những kết quả GD khả quan, không chỉ giúp HS có cơ hội tiếp cận các phương tiện, khoa học kĩ thuật công nghệ hiện đại, phát huy năng lực về khoa học, phát triển và trau dồi các tố chất của một nhà khoa học… mà còn chỉ ra một hướng đi, phương pháp GD hiệu quả mà các nhà trường có thể tham khảo thực hiện.
Với mô hình nhà kính và lớp học STEM, HS được trải nghiệm tất cả các quy trình ươm cây từ hạt, cho cây lên giàn, hàng ngày kiểm tra, ghi chép lại tất cả các thông số (nồng độ dinh dưỡng, nhiệt độ), các biểu hiện khác thường của các giai đoạn của cây, cây có bị nhiễm bệnh không, bệnh gì, cách phòng, chống ra sao.
Tùy theo từng giai đoạn phát triển của cây mà bổ sung chất dinh dưỡng cho hợp lý…
Mỗi lớp học được trải nghiệm một chu trình từ khi ươm hạt đến khi thu hoạch và được thưởng thức thành quả do chính các HS làm ra (cá, rau trồng thủy canh, rau mầm).
Sau mỗi đợt trải nghiệm của HS các nhóm phải viết báo cáo và trình bày báo cáo trước các thầy cô và cùng các thầy cô thảo luận, rút kinh nghiệm đưa ra các đề xuất để cho đợt trải nghiệm sau được tốt hơn…
|
Hiệu quả từ thực tiễn
Cô Trần Thị Tân - Trường THPT Nguyễn Viết Xuân - cho biết, từ khi lớp học STEM và khu vực nhà kính được đưa vào hoạt động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Có 20 GV và 320 HS (9 lớp học) + 7 nhóm HS đăng ký (70 HS) đã được trải nghiệm lớp học STEM và khu vực nhà kính trồng rau, nuôi cá.
Nhiều loại cây trồng đã được GV và HS ươm, trồng và thu hoạch (cụ thể 10 vụ ươm, trồng và thu hoạch rau xà lách thủy canh bằng kĩ thuật màng mỏng dinh dưỡng NFT; 15 vụ ươm rau mầm; 6 vụ rau xu hào + súp lơ + cà chua; 4 vụ thả cá và thu hoạch cá, rau trong hệ thống Aquaponics).
Qua lớp học STEM và nhà kính, HS đã tận dụng các đồ dùng phế thải (chai nhựa, ống nhựa) để tạo ra các lẵng trồng hoa, rơm, rạ, phân trâu bò để trồng cây, góp phần bảo vệ môi trường. HS đã được các thầy cô giáo cho quan sát các loại sâu bệnh thông thường của cây trồng qua kính hiển vi điện tử và biết cách phòng, chống các loại sâu này qua các tiết học…
Theo đánh giá của cô Trần Thị Tân, mô hình lớp học STEMvà nhà kính đã và đang mang lại những trải nghiệm thực tế tuyệt vời cho HS, giúp các em bước đầu lí giải, áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế.
HS được tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại như labdis để đo các thông số như độ pH, nồng độ dinh dưỡng ppm, độ ẩm… biết phân phối nồng độ dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của cây. Bước đầu giúp các em có cảm giác như mình đang là một nhà nghiên cứu khoa học, giúp các em biết đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và trong công việc.
Mô hình lớp học STEM cũng giúp các thầy cô giáo nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao kĩ năng nghiên cứu khoa học và hướng dẫn nghiên cứu khoa học…
Việc áp dụng hiệu quả công trình nhà kính và lớp học STEM vào các hoạt động dạy và học cũng như các hoạt động GD trong và ngoài nhà trường đã nhận được sự đồng tình ủng hộ từ tình cảm đến vật chất của các bậc phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, theo cô Tân, để triển khai mô hình lớp học STEM và nhà kính thì các nhà trường cần có sự chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất như nhà kính, phòng học STEM, các trang thiết bị…; bản thân mỗi GV phải có chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy thực tế các bộ môn về Vật lý, Hóa học, Sinh học…