Phát huy học liệu số dạy học giáo dục địa phương

GD&TĐ - Nguồn tài nguyên hữu ích hỗ trợ cho hoạt động truyền thông, giáo dục, bảo vệ thiên nhiên cho HS, sinh viên và cộng đồng đang được khai thác...

Tri ân những tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tư liệu cho Trang thông tin tư liệu thiên nhiên Đà Nẵng tại lễ ra mắt website.
Tri ân những tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tư liệu cho Trang thông tin tư liệu thiên nhiên Đà Nẵng tại lễ ra mắt website.

Đó là gần 1.200 tư liệu được các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn, nhiếp ảnh, giảng dạy, cộng đồng yêu thiên nhiên đóng góp để xây dựng “Trang thông tin tư liệu thiên nhiên Đà Nẵng”.

“Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”

Để dạy chuyên đề Đa dạng sinh học ở thành phố Đà Nẵng trong Chương trình Giáo dục địa phương lớp 10, nhóm giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) chia nhau tìm tài liệu, hình ảnh minh họa.

Cô Lê Thị Kim Tùng cho biết: “Dù có tài liệu giáo dục địa phương do Sở GD&ĐT Đà Nẵng biên soạn, nhưng với mong muốn mở rộng nội dung truyền tải đến học sinh, chúng tôi tìm hiểu, cập nhật thêm những thông tin liên quan để bổ sung vào bài học. Mọi thông tin tìm được qua báo chí và website đều phải đối chiếu để đảm bảo tính xác thực. Vì vậy, cũng khá mất thời gian…”.

Thông qua hệ thống các câu hỏi trong phần trò chơi Rung chuông vàng, học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trần Phú được củng cố thêm sự đa dạng về thực vật, động vật rừng của Đà Nẵng được hội tụ cả sinh thái rừng – biển – sông.

Mỗi học sinh sẽ làm một bài thu hoạch, tự lựa chọn điểm tham quan ở thành phố Đà Nẵng để tìm hiểu về đa dạng sinh học và viết cảm nhận theo gợi ý: Sức hấp dẫn của loại hình du lịch sinh thái; tác động tích cực và tiêu cực đến đa dạng sinh học trong quá trình phát triển du lịch, đề xuất các biện pháp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học khi phát triển du lịch.

Em Trần Đức Huy chia sẻ: “Dù nhiều địa điểm tham quan tại thành phố, em và gia đình đã đến trải nghiệm nhưng lại ít chú ý đến sự đa dạng sinh học. Sau chuyên đề giáo dục địa phương về đa dạng sinh học, để hoàn thành bài thu hoạch, em bắt đầu tìm hiểu về khu bảo tồn thiên nhiên thuộc bán đảo Sơn Trà”. Theo Huy nhận xét, thông tin tham khảo trên Internet tuy nhiều nhưng học sinh phải tự hệ thống theo từng chủ điểm và cập nhật thông tin khoa học không nhiều.

Thầy Lê Mạnh Tấn – giáo viên Sinh học, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - cũng cho biết, không chỉ riêng môn Sinh học, một số môn học khác ở Chương trình GDPT 2018, khi giảng dạy, giáo viên đều liên hệ thực tế tại địa phương. Nguồn tài liệu tham khảo tuy phong phú nhưng gần như giáo viên phải kiểm tra, đối chiếu những thông tin có được để vừa cập nhật nhưng vẫn đảm bảo chính xác. Vì vậy, thông tin dù mang tính chất mở rộng, liên hệ thực tế nhưng giáo viên cũng phải đầu tư không ít thời gian khi xây dựng bài giảng.

Học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Phú với nội dung thi Rung chuông vàng khi học Chuyên đề 6 Giáo dục địa phương.

Học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Phú với nội dung thi Rung chuông vàng khi học Chuyên đề 6 Giáo dục địa phương.

Kho học liệu mở

Đầu tháng 1/2023, website Trang thông tin thiên nhiên Đà Nẵng (https://thiennhiendanang.vn) chính thức ra mắt, cung cấp hơn 1.600 tư liệu về thiên nhiên Đà Nẵng do cộng đồng đóng góp. Trang thông tin được sắp xếp thành 7 danh mục tương ứng với các vùng sinh thái và loài nổi bật, bao gồm: Thiên nhiên Đà Nẵng, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà, KBTTN Bà Nà - Núi Chúa, Rừng đặc dụng Nam Hải Vân, hệ sinh thái biển Đà Nẵng, hệ sinh thái sông ngòi và Loài Voọc Chà vá chân nâu.

Bên cạnh đó, trang cũng chia sẻ các chương trình hoạt động giáo dục thiên nhiên tại các tỉnh, thành khác ở Việt Nam và thế giới. Giáo viên có thể khai thác nguồn tư liệu của trang để xây dựng bài giảng, trò chơi, video minh họa hỗ trợ hoạt động giáo dục thiên nhiên cho học sinh.

Thầy giáo Lê Mạnh Tấn nhận xét: “Bên cạnh cung cấp nguồn tài liệu chính thống, khoa học về thiên nhiên Đà Nẵng, trang thông tin còn tập hợp mô-đun bài giảng, trò chơi, video minh họa nhằm hỗ trợ cho hoạt động giáo dục thiên nhiên của giáo viên từ lớp 1 - 12”. Website giới thiệu các chương trình giáo dục, trải nghiệm thiên nhiên ở Đà Nẵng để giáo viên, cộng đồng quan tâm có thể dễ dàng tiếp cận…

Thầy Hoàng Trọng Nghĩa – Tổ trưởng Tổ Sinh học, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) - cho biết: Trang thông tin tư liệu thiên nhiên Đà Nẵng hỗ trợ không chỉ giáo viên môn Sinh học, mà còn một số bộ môn khác khi tiến hành dạy học tích hợp hoặc liên hệ với thực tế địa phương. “Những thông tin này vừa có tính chính thống, vừa có tính khoa học, lại cập nhật nên đảm bảo thông tin mới. Giáo viên vì vậy rất yên tâm khi đưa vào bài dạy”.

Website Trang thông tin tư liệu thiên nhiên Đà Nẵng do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Xanh Việt (GreenViet) phối hợp với Khoa Sinh – Môi trường, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) và nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, ĐH Đà Nẵng xây dựng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ