Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở Cao Bằng

GD&TĐ - Các chương trình tín dụng chính sách tại Cao Bằng đang phát huy vai trò “đòn bẩy” giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, cơ sở sản xuất nấm Trúc Mai của gia đình anh Đỗ Văn Viên giúp nhiều người có thu nhập ổn định, thoát nghèo.
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, cơ sở sản xuất nấm Trúc Mai của gia đình anh Đỗ Văn Viên giúp nhiều người có thu nhập ổn định, thoát nghèo.

Động lực thoát nghèo

Gia đình anh Long Văn Phinh (xóm Lũng Thốc, xã Hòa An) từng thuộc diện hộ nghèo nhiều năm. Anh trai anh Phinh mất do tai nạn để lại vợ và 2 người con. Trong khi đó, bố mẹ anh Phinh đã già nên gánh nặng đè lên vai anh.

Nhờ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cơ sở sản xuất nấm Trúc Mai (xóm Hồng Quang 2, phường Thục Phán) đã tuyển dụng anh Phinh vào làm việc. Từ khi có công việc ổn định với thu nhập trung bình từ 6,5-8 triệu đồng/tháng, gia đình anh Phinh đã vơi bớt khó khăn, từ đó thoát nghèo.

Anh Long Văn Phinh cho biết: Tôi cảm thấy may mắn vì trong lúc khó khăn nhất lại có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần ổn định kinh tế gia đình.

Còn anh Đỗ Văn Viên, chủ cơ sở sản xuất nấm Trúc Mai, cho biết: Tổng nguồn vốn vay quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội đối với cơ sở tôi là 300 triệu đồng, hiện dư nợ còn 200 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn chính sách với lãi suất ưu đãi, tôi có điều kiện tuyển dụng, trả lương cho người lao động, từ đó phát triển kinh tế.

nuoi-bo-cao-bang.jpg
Gia đình bà Phạm Thị Oanh thoát cảnh khó khăn nhờ được hỗ trợ phát triển kinh tế từ nguồn vốn chính sách.

Gia đình bà Phạm Thị Oanh (tổ 5, phường Tân Giang) cũng từng rất khó khăn vì con trai bà mất sớm, con gái khuyết tật về thần kinh. Hai ông bà phải nuôi cháu nội và con nên có lúc gia đình lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Oanh tăng gia sản xuất nuôi bò sinh sản, chim bồ câu, gà, hiện trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của địa phương.

Bà Oanh chia sẻ: Nguồn vốn chính sách là động lực rất lớn giúp gia đình tôi thoát cảnh khó khăn. Có vốn, lại được hỗ trợ kỹ thuật, gia đình tôi mạnh dạn mua bò, chim bồ câu về chăn nuôi, hiện mỗi năm, gia đình thu được trung bình từ 150-200 triệu đồng từ mô hình này.

Hỗ trợ vốn đến tận tay người dân

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng xác định tín dụng chính sách là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã bám sát chỉ đạo Trung ương, tỉnh, chủ động đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời cải tiến quy trình, rút gọn thủ tục, tăng cường tuyên truyền giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng – ông Đặng Trung Hồng cho biết: "Dù sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, chúng tôi vẫn duy trì 100% các điểm giao dịch cấp xã cũ để người dân thuận tiện giao dịch. Các tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa ngân hàng và người dân."

ngan-hang-chinh-sach-cao-bang.jpg
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đến tận nơi để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5.022 tỷ đồng, tăng hơn 353 tỷ đồng so với năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh số cho vay đạt hơn 1.002 tỷ đồng với 14.075 lượt hộ vay, trong đó hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 21%.

Một phần nhờ sự hỗ trợ thiết thực từ nguồn vốn chính sách, số hộ nghèo ở Cao Bằng liên tục giảm qua các năm. Cụ thể: năm 2021 giảm 5.043 hộ (4,03%), năm 2022 giảm 5.969 hộ (4,29%), năm 2023 giảm 4,23%, năm 2024 tiếp tục giảm 4,67%. Ước tính đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm khoảng 21,22%, bình quân mỗi năm giảm trên 4,2% – vượt yêu cầu tối thiểu theo chuẩn nghèo đa chiều mới.

Dù vậy, Cao Bằng vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Trịnh Trường Huy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững. Trong đó, nhấn mạnh việc lồng ghép các nguồn lực địa phương, nguồn vốn xã hội hóa, sự tham gia của người dân để đầu tư tổng thể và lâu dài.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn vay thuận lợi; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập; đồng thời tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và thông tin. Việc triển khai hiệu quả các dự án, mô hình giảm nghèo sẽ góp phần giúp người dân vươn lên, hướng đến mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ