Lập kế hoạch từ sớm
Kể từ đầu tháng 6 đến nay, cứ 8h sáng mỗi ngày, anh Nguyễn Hùng Sơn đều trực tiếp đưa cậu con trai chuẩn bị lên lớp 5 của mình tới bể bơi thông minh tại Trường Tiểu học An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) để học phổ cập bơi.
"Cả hai bố con đều có sở thích với môn Bơi nên khi nhà trường thông báo sẽ mở lớp dạy bơi cho học sinh ngay trong hè, tôi đã đăng ký cho cháu ngay trong buổi họp phụ huynh của lớp. Ngoài kỹ năng bơi, các cháu còn được học cách phòng tránh tai nạn đuối nước nên tôi rất yên tâm", anh Sơn nói.
Thầy Hiệu trưởng Lê Đức Tuân đang nhắc nhở học sinh một số quy định trước khi vào giờ học bơi. |
Thầy Lê Đức Tuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Khánh B cho hay, thực hiện hướng dẫn của Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức, ngày từ cuối học kỳ 2 năm học 2022-2023, nhà trường đã triển khai kế hoạch và phát phiếu để phụ huynh đăng ký cho con học bơi. Lớp học bơi của trường được khai mạc từ ngày 9/6. Kết thúc khóa học, các em được cấp giấy chứng nhận hoàn thành phổ cập bơi theo quy định.
Theo đó, nhà trường đã nhận được hơn 160 đơn đăng ký của phụ huynh học sinh. Do nhu cầu của người dân và học sinh khá lớn, trường đã bố trí 3 giáo viên dạy bơi, 1 nhân viên y tế, 1 cứu hộ vào mỗi ca bơi để triển khai dạy bơi cho từng đối tượng khác nhau. Mỗi ca bơi có từ 25 - 30 em, kéo dài từ 175 - 190 phút.
Các em được cấp giấy chứng nhận sau khi hoàn thành khóa học bơi tại trường. |
"Mỗi ngày, thầy cô đều điểm danh, tập kỹ thuật bơi trên cạn sau đó mới cho các em xuống nước. Có em tiếp thu nhanh chỉ mất 4-5 buổi là biết bơi, còn lại mỗi đợt kéo dài trong khoảng 12 buổi. Mỗi học sinh sẽ đóng 700.000 đồng/khóa học. Nhà trường dùng quy trình xử lý nước đảm bảo sạch và không bị mùi sặc Flo nên phụ huynh yên tâm" - thầy Tuân thông tin thêm.
Tương tự, tại Trường THCS Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang triển khai lớp dạy bơi cho khoảng 100 học viên. Ngoài học sinh của trường sở tại, lớp cũng tiếp nhận đơn xin học của các em thuộc Trường Tiểu học Đức Thượng và một số người dân trong địa phương.
Sân chơi ý nghĩa ngày hè
Thầy Nguyễn Đình Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Đức Thượng. |
Thầy Nguyễn Đình Dũng - Hiệu trưởng trao đổi: Từ năm 2019, UBND huyện Hoài Đức đã đầu tư trang bị 45 bể bơi thông minh cho một số trường Tiểu học và THCS trên địa bàn. Để duy trì hoạt động của bể bơi thông minh, nhà trường đã bố trí 2 giáo viên dạy bơi và các bộ phận phục vụ liên quan.
Ca sáng có các khung giờ kéo dài từ 7h - 8h30 và 9h - 10h30; mỗi ca có khoảng 20 – 30 học viên. Buổi chiều tối dành cho bơi tự do có sự giám sát của lực lượng y tế, nhân viên trực, bảo vệ của trường.
Trước khi kết thúc năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phổ cập bơi thông báo trên loa truyền thanh của xã; đồng thời thông báo đến cha mẹ học sinh trong buổi họp phụ huynh để đăng ký cho con. Bể bơi dự kiến sẽ hoạt động trong hai tháng 6 và 7, vì tháng 8 sẽ có lịch tựu trường.
Thầy Nguyễn Đình Ngọc Sơn đang hướng dẫn học trò một số động tác bơi cơ bản. |
Thầy Nguyễn Đình Ngọc Sơn - giáo viên dạy bơi tại Trường THCS Đức Thượng chia sẻ, học sinh tham gia lớp học sẽ được khởi động với các bài tập trên cạn, sau đó sẽ được rèn kỹ năng bơi ếch. Từ đó, các em học được các cách xử lý tình huống phòng tránh đuối nước, biết tự nổi trên mặt nước rồi nhanh chóng bơi vào bờ.
Theo ông Vương Văn Lâm - Trưởng Phòng GD&ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2023 huyện Hoài Đức, đơn vị này đã có văn bản hướng dẫn gửi tới các cơ sở giáo dục trực thuộc về các hoạt động hè cho học sinh. Trong đó, công tác phòng chống tai nạn đuối nước và phổ cập bơi là một nội dung quan trọng.
Bể bơi thông minh tại Trường THCS Đức Thượng luôn thu hút rất đông học sinh tới tham gia. |
"Những năm gần đây, trên cả nước vẫn xuất hiện tình trạng đuối nước ở trẻ em xuất phát từ việc các em thiếu kỹ năng bơi an toàn. Do đó, việc triển khai mô hình bể bơi thông minh ở các nhà trường đã và đang góp phần tích cực trong việc trang bị kỹ năng bơi cần thiết cho học sinh. Chính quyền các địa phương cũng nỗ lực tuyên truyền tới phụ huynh để đăng ký cho con tham gia hoạt động bổ ích ngày hè này", ông Lâm cho biết.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hoài Đức, đơn vị này sẽ tiếp tục triển khai mô hình “Phổ cập bơi cho học sinh Tiểu học và THCS”. Mô hình thực hiện hiệu quả với sự đầu tư của UBND huyện để lắp đặt 45 bể bơi thông minh tại các trường Tiểu học, THCS công lập trên địa bàn, đạt 95,7% với kinh phí trên 14 tỷ đồng đưa vào sử dụng từ năm học 2019-2020. Sau thời gian triển khai mô hình này, tỷ lệ học sinh biết bơi không ngừng tăng lên, góp phần giảm nguy cơ học sinh bị đuối nước.
Chị Nguyễn Thị Hiền - phụ huynh có con học lớp 7 Trường THCS Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) tâm sự, thay vì ngồi nhà xem TV, điện thoại cả ngày thì các cháu sẽ được học kỹ năng bơi lội. Điều này rất cần thiết trong việc kéo giảm tỉ lệ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Các thầy cô dạy bơi cũng hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác để các cháu nắm được những kỹ năng cơ bản nên chị cũng rất yên tâm khi cho con đi học bơi dịp hè.