Cụm thi đua số 2, Bộ GD&ĐT bao gồm 9 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng: Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Ninh Bình, Trưởng cụm thi đua số 2, trong năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT các tỉnh cụm 2 đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch, đề án, chính sách phát triển giáo dục; triển khai thực hiện và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học, phát huy tính ổn định, những điểm mạnh của vùng có các chỉ số giáo dục phát triển cao.
Mạng lưới và quy mô giáo dục đào tạo phát triển đa dạng phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở mức cao, ổn định, có rất ít học sinh bỏ học. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì tốt. Tích cực thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy học; chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, bậc học luôn được củng cố, nâng cao.
Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục ngày càng đáp ứng tốt hơn cho dạy và học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; việc bồi dưỡng, tập huấn theo chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện trên diện rộng, có hiệu quả.
Hoạt động của cụm thi đua đã phát huy hiệu quả, tăng cường sự gắn kết, trao đổi, chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo giữa các địa phương, thúc đẩy phong trào thi đua trong khối, góp phần đưa chất lượng, kết quả giáo dục - đào tạo trong cụm tiếp tục có bước phát triển.
Qua thảo luận, các đại biểu cũng đề cập đến một số tồn tại, hạn chế mà ngành GD&ĐT các tỉnh cụm 2 cần được khắc phục, tháo gỡ đó là: Còn có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền ở mỗi tỉnh, giữa công lập và tư thục, giữa chính quy và giáo dục thường xuyên; còn xảy ra bạo lực học đường, trường học thiếu an toàn.
Kết quả phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt kết quả như mong muốn; việc khai thác sử dụng các điều kiện dạy - học một số nơi chưa tốt, chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương. Một số tỉnh còn tình trạng cơ sở vật chất một số trường học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, có tình trạng trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối, không đồng bộ về cơ cấu, chủng loại giáo viên.
Trong năm học 2021-2022, Cụm thi đua số 2 đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể gồm: Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục..
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận kết quả của từng đơn vị trong Cụm, đồng thời nhấn mạnh những lưu ý trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022. Theo đó, các Sở cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị, Công văn chỉ đạo về nhiệm vụ trọng tâm năm học; thực hiện nghiêm túc kế hoạch, chương trình giáo dục đảm bảo thời gian quy định.
Về công tác thi đua, khen thưởng, Thứ trưởng yêu cầu triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngành Giáo dục. Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng đến từng cán bộ, giáo viên, học sinh, từng cơ sở giáo dục biết, thực hiện.