Giao ban Cụm thi đua số 9: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ năm học

GD&TĐ - Sáng nay 4/3, tại Đà Nẵng, đã diễn ra Hội nghị giao ban Cụm thi đua số 9 lần thứ nhất năm học 2016 – 2017 của ngành GD&ĐT 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. 

Đại diện các Sở GD&ĐT trong cụm thi đua số 9 ký kết giao ước thi đua.
Đại diện các Sở GD&ĐT trong cụm thi đua số 9 ký kết giao ước thi đua.

Ngoài ra, còn có sự tham dự của đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì hội nghị.

Nâng cao chất lượng dạy - học

Đánh giá kết quả năm học 2015 – 2016, ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, trưởng cụm thi đua số 9 cho biết: “Kết quả giáo dục đại trà được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng được quan tâm đầu tư, phát triển. Cả 5 thành phố đều được Bộ GD&ĐT công nhận phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. HS các thành phố đều giành nhiều thành tích cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong năm học, GD&ĐT 5 thành phố đã được Bộ GD&ĐT đánh giá là một trong các đơn vị hoàn thành các lĩnh vực công tác và nhiều tiêu chí dẫn đầu toàn quốc, 3 thành phố được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc, 2 thành phố được tặng Bằng khen”.

Ngành GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc trung ương cũng có nhiều giải pháp sáng tạo, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2016 – 2017.

Mạng lưới trường học và quy mô HS ngày càng ổn định và phát triển, tưng 191 trường với gần 190.000 HS, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Các Sở GD&ĐT 5 thành phố cũng thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND xây dựng các văn bản, đề án có liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ giáo dục quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục & đào tạo được chú trọng.

Ngành GD&ĐT 5 thành phố đã có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo trong công tác phần luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông.

Triển khai mô hình thí điểm giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương, tổ chức các hoạt động dạy - học/giáo dục trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn đảm bảo giáo dục cơ bản ở trung học, phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả.

Cả 5 thành phố đều chú trọng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở cấp học và trình độ đào tạo; mở rộng phát triển hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ và ứng dụng CNTT trong dạy – học ngoại ngữ.

Sở GD&ĐT 5 thành phố đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và kết nối trường học một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả; xây dựng hệ thống kho dữ liệu bải giảng e-learning trực tuyến giúp cho việc học tập, học tập suốt đời của người học, thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ giáo dục & đào tạo có chất lượng giữa các địa phương là công cụ quan trọng để hội nhập quốc tế.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện

Đối với 21 đề xuất, kiến nghị của cụm thi đua số 9, đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT đã ghi nhận và có một số giải đáp, tháo gỡ ngay tại Hội nghị.

Theo đó, Sở GD&ĐT các địa phương cần rà soát lại các cuộc thi được đưa vào trường học, chỉ giữ lại những cuộc thi thực sự hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng dạy – học, góp phần rèn luyện kỹ năng cho HS và đặc biệt là tránh quá tải, căng thẳng cho cả giáo viên và HS.

Các Sở GD&ĐT cần tiếp tục tham mưu với các cấp chính quyền thành phố, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách cho hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục & đào tạo; tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đầu các cấp học.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu kết luận Hội nghị.
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu kết luận Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao những thành tựu cũng như những biện pháp đổi mới, sáng tạo của ngành GD&ĐT 5 thành phố lớn trong công tác tham mưu, quy hoạch và phát triển mạng lưới trường lớp, ứng dụng CNTT cũng như xã hội hóa giáo dục, hội nhập quốc tế.

“Ngoài phiên họp chính, Cụm thi đua số 9 đã rất sáng tạo trong việc tổ chức 5 hội nghị chuyên đề cũng đồng thời là 5 chủ đề trọng tâm của nhiệm vụ năm học với thành phần tham gia mở rộng đến Hiệu trưởng các trường học.

Đây là một cách làm rất hay để các cán bộ quản lý có thể trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết.

 Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, đây là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi nhưng không vì thế mà ngành GD&ĐT giảm bớt áp lực.

“Ngành GD&ĐT 5 thành phố phải các biện pháp để xây dựng môi trường thật sự an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

Trong quản lý nhà nước, các Sở GD&ĐT phải thực hiện tốt việc tham mưu để thực hiện tốt phân cấp quản lý. Như bậc học mầm non, phải phối hợp các tổ chức, đoàn thể, các cấp ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, rồi phải tính đến trách nhiệm hỗ trợ của các trường công lập trên địa bàn đối với các nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình, trường tư thục”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phân tích: “Luật Giáo dục đã có riêng một điều về tiêu chuẩn chức danh của từng vị trí, cấp học. Những vụ bạo hành trẻ mầm non vừa qua, khi tìm hiểu ra thì là nhân viên cấp dưỡng đứng lớp hoặc giáo viên được đào tạo sư phạm nghệ thuật.

Đuổi việc họ sau khi xảy ra sự cố thực ra chỉ là giải quyết phần ngọn, không phải là giải pháp căn cơ. Chính vì vậy, ngành GD&ĐT các địa phương phải thực hiện tốt khâu tuyển dụng, đẩy mạnh công tác dân chủ trong trường học, bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cũng như kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. Cũng cần phải có những biện pháp để chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương trong trường học, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS”.

Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở GD&ĐT đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, phát hiện và nhân rộng các điển hình của ngành GD&ĐT để tuyên truyền rộng rãi trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ