Giao ban Cụm thi đua số 2: Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - ​Sáng 17/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hải Anh chủ trì Hội nghị Giao ban Cụm thi đua số 2 lần thứ nhất, năm học 2016 – 2017, tại tỉnh Tuyên Quang. 

Giao ban Cụm thi đua số 2: Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các Cục, Vụ chức năng Bộ GD&ĐT, cùng đại biểu các Sở GD&ĐT Cụm thi đua số 2.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Hội nghị nhằm đánh giá kết quả học kỳ 1, nêu sáng kiến kinh nghiệm cũng như những vướng mắc, khó khăn của các Sở GD&ĐT cần giải quyết như sắp xếp qui mô trường lớp, tình trạng thừa thiếu GV, nhiệm vụ của các cấp học, tình hình HS sau nghỉ tết đến trường, giải pháp giảm HS bỏ học, tình hình tai nạn thương tích, tai nạn học đường, đạo đức nhà giáo, đảm bảo an toàn cho HS như CSVC, phòng chống cháy nổ, bạo hành trẻ - nhất là ở cơ sở GD mầm non, đặc biệt là những khó khăn, đề xuất trong triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Thinh - Trưởng Cụm thi đua số 2, Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang - báo cáo: Năm học này, các tỉnh trong Cụm thi đua đã tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng GD; tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, phổ cập GD tiểu học và THCS.

So với năm học trước, toàn cụm giảm 150 trường, trong đó mầm non giảm 33 trường, tiểu học giảm 117 trường, THCS tăng 4 trường, THPT tăng 6 trường (riêng tỉnh Yên Bái giảm 36 trường mầm non, 113 trường tiểu học, tăng 2 trường THCS; tỉnh Hòa Bình giảm 3 trường mầm non, 57 trường tiểu học, tăng 3 trường THCS, 9 trường THPT). Công tác dự báo, quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục đến 2020, định hướng đến 2025 được các sở GDĐT quan tâm xây dựng.

Đặc biệt, các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 2 đã quán triệt, triển khai tới các cơ sở GD và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận số 338/TB-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với 9 nhóm nhiệm vụ. Một số tỉnh đã từng bước nâng cấp, mở rộng quy mô của các cơ sở đào tạo, dạy nghề, cung cấp lực lượng lao động có trình độ cho các ngành kinh tế kỹ thuật, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiêu biểu là các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang.

Các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 2 chú trọng công tác bồi dưỡng HSG, vì vậy, tổng số học sinh đạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT của 7 tỉnh là 246 giải, trong đó có 2 giải Nhất, 44 giải Nhì, 91 giải Ba và 109 giải Khuyến khích. Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên là các tỉnh có nhiều HS đạt giải cao và ổn định trong nhiều năm.

Lãnh đạo các Sở GD&ĐT đề xuất cần có nhân viên y tế cho các trường MN để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS, đặc biệt là lo an toàn thực phẩm cho HS, sớm ban hành tiêu chí xây dựng trường chất lượng cao; tăng mức thưởng, mở rộng đối tượng khen thưởng cho HS đạt giải trong các cuộc thi cấp Quốc gia; đưa việc hỗ trợ, xây dựng, phát triển hệ thống các trường Phổ thông dân tộc bán trú vào chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm.

Theo lãnh đạo các Sở GD&ĐT, nhu cầu về CSVC cho hoạt động dạy học, nhà công vụ cho giáo viên tại các trường và điểm trường lẻ của các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn chưa được đầu tư nhiều, còn rất thiếu so với nhu cầu thực tế. Một số tỉnh, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, chủ yếu do thiếu cơ sở vật chất (Bắc Kạn: 23,0%; Yên Bái: 29,5%; Tuyên Quang: 33,0).

Ghi nhận 19 ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ những khó khăn của địa phương, đồng thời đánh giá: Cụm thi đua số 2 điều kiện địa bàn cách trở, còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta thực hiện nghiêm túc chủ trương, định hướng của ngành, công tác tham mưu làm rất tốt. Đây là cơ sở triển khai cho cả giai đoạn. 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Học kỳ hai các tỉnh cần coi trọng hai nhiệm vụ trọng tâm đó là công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét chọn nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Chính sách chế độ giáo viên cần được cân nhắc và mang tính tổng thể.

Các tỉnh có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng ngoại ngữ nhưng cần chú trọng nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho trẻ, quan tâm trẻ khuyết tật và trẻ hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo quyền đến trường cho các em.

Bên cạnh đó, phải xây dựng môi trường học an toàn, đảm bảo vệ sinh cho HS khi đến trường. Cần GD đạo đức lối sống cho HS và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo. Việc cấp bách trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay trách nhiệm của Sở nặng nề hơn nên phải lường trước khó khăn để khắc phục.

Giao ban Cụm thi đua số 2: Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 1Giao ban Cụm thi đua số 2: Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 2Giao ban Cụm thi đua số 2: Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ