Phát hiện virus Corona ở dơi móng ngựa

GD&TĐ - Virus Corona gây ra đại dịch toàn cầu Covid-19 có nguồn gốc từ đâu luôn được các nhà khoa học tìm kiếm.

TS Vương Tân Tú và TS Alexandre Hassanin (đứng ngoài cùng bên trái) cùng đoàn nghiên cứu và các cán bộ kiểm lâm tại tỉnh Điện Biên.
TS Vương Tân Tú và TS Alexandre Hassanin (đứng ngoài cùng bên trái) cùng đoàn nghiên cứu và các cán bộ kiểm lâm tại tỉnh Điện Biên.

Virus Corona gây ra đại dịch toàn cầu Covid-19 có nguồn gốc từ đâu luôn được các nhà khoa học tìm kiếm. Mới đây, các nhà khoa học Việt Nam đã tìm thấy virus này trong loài dơi móng ngựa.

Quá trình phát sinh chủng loại virus Corona

Các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa cùng các cộng sự từ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary và Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên, Cộng hòa Pháp công bố những phát hiện mới về sự đa dạng và quá trình phát sinh chủng loại của virus Corona.

Những virus này được thu thập từ quần thể dơi móng ngựa (Rhinolophus sp.) ở Việt Nam và các nước lân cận.

TS Vương Tân Tú, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, từ đầu thế kỷ 21, nhân loại đã đối mặt với 3 đại dịch toàn cầu do virus Corona gây ra, bao gồm Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS, 2002 - 2004) do virus SARS-CoV-1, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS, từ 2012 đến nay) do virus MERS-CoV và Covid-19 (từ 12/2019 đến nay) do virus SARS-CoV-2.

Trong đó, đại dịch Covid-19, với hơn 700 triệu ca nhiễm và 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu, cho thấy rõ mối đe dọa nghiêm trọng từ sự bùng phát hoặc tái bùng phát của các bệnh truyền nhiễm do virus Corona. Việc tìm hiểu nguồn gốc và đặc điểm sinh thái dịch tễ của các virus Corona có khả năng gây bệnh ở người vẫn là chủ đề nghiên cứu ưu tiên trong y học và sinh học.

TS Vương Tân Tú và nhóm các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đánh giá sự đa dạng và mối quan hệ tiến hóa của các virus Corona có họ hàng gần gũi với 2 chủng virus SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2 trên các loài dơi móng ngựa ở Việt Nam.

Theo các nghiên cứu khoa học, virus SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2 có mối liên hệ họ hàng và đều thuộc phân nhóm Sarbecovirus, chi Betacoronavirus nhưng nằm trong các nhánh tiến hóa khác nhau.

Các nhà khoa học đã phát hiện những virus Corona có họ hàng gần gũi với SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2 trên một số loài động vật hoang dã nhưng chủ yếu là dơi móng ngựa (Rhinolophus sp.). Những phát hiện này cho thấy cả 2 chủng virus đều có nguồn gốc từ các loài dơi móng ngựa sống tại khu vực Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc.

Các nhà khoa học đã thu thập mẫu phân của 1.218 cá thể thuộc 13 trong tổng số 19 loài dơi móng ngựa sống tại 19 điểm nghiên cứu đã lựa chọn trên khắp Việt Nam. Kết quả sàng lọc bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR từ 547 mẫu gộp của 1.218 mẫu thu được cho thấy, tỷ lệ dương tính với các chủng virus thuộc phân chi Sarbecovirus là 11%, tương ứng với 59 trên tổng số 547, trong đó 46 mẫu thuộc về loài Rhinolophus thomasi, 10 mẫu của loài R. affinis, 2 mẫu của R. pusillus và 1 mẫu của R. malayanus.

Giải trình tự gen tìm nguồn gốc virus

Các nhà nghiên cứu tiến hành giải trình tự các mẫu dương tính bằng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) và tổng hợp được 38 bộ gen hoàn chỉnh của 17 chủng virus Corona thuộc phân chi Sarbecovirus.

Tiến hành phân tích thêm quá trình phát sinh chủng loại của các virus trong phân chi Sarbecovirus, các nhà khoa học đã phát hiện thêm bằng chứng cho thấy tổ tiên của virus SARS-CoV có nguồn gốc từ các loài dơi móng ngựa sống tại khu vực Vân Nam của Trung Quốc, còn tiền thân của virus SARS-CoV-2 có thể đã lưu hành trên các quần thể dơi móng ngựa sống dọc theo biên giới giữa Vân Nam (Trung Quốc) và các nước Đông Nam Á như Điện Biên (Việt Nam), Phongsaly (Bắc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và có thể bao gồm cả khu vực Shan (Miến Điện).

Nhóm nghiên cứu phát hiện, các chủng virus Corona thuộc phân chi Sarbecovirus trên dơi tiến hóa với tốc độ đột biến và tái tổ hợp di truyền cao. Trong bối cảnh tương tác gia tăng giữa người, vật nuôi và dơi ở Việt Nam, nguy cơ xuất hiện các chủng virus Corona lai giữa virus ở người và dơi ngày càng cao khi một vật chủ bị nhiễm nhiều virus cùng lúc.

Sự xuất hiện của các chủng mới có khả năng lây lan cho nhiều động vật và người có thể gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, vì vậy chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn các đợt bùng phát đại dịch trong tương lai.

Theo TS Vương Tân Tú, từ các bằng chứng khoa học này, Việt Nam là một trong những nước cần ưu tiên trong các chương trình giám sát và phòng chống nguy cơ bùng phát hoặc tái bùng phát các bệnh truyền nhiễm do các chủng virus Corona (và cả các mầm bệnh khác) liên quan đến dơi.

Tuy nhiên, TS Vương Tân Tú cũng lưu ý, chúng ta cần phải đính chính những thông tin sai lệch về mối liên hệ tiêu cực không đáng có giữa các loài dơi và các bệnh truyền nhiễm ở người và vật nuôi. Điều này là do, con đường lây truyền của các mầm bệnh truyền nhiễm từ dơi sang người và vật nuôi vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Trong khi, việc con người gia tăng mức độ xâm lấn môi trường sống tự nhiên của các loài dơi không những gây ra suy thoái mức độ đa dạng và vai trò sinh thái của chúng, mà còn làm gia tăng nguy cơ bùng phát hoặc tái bùng phát các bệnh truyền nhiễm liên quan đến dơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ