Virus cổ đại có khả năng truyền bệnh?

GD&TĐ - Kể từ khi khoa học đủ tiến bộ, các nhà nghiên cứu đã xác định hàng loạt căn bệnh từng giết chết những người được ướp xác.

Nhiều vi khuẩn gây bệnh cần có vật chủ sống để tồn tại.
Nhiều vi khuẩn gây bệnh cần có vật chủ sống để tồn tại.

Kể từ khi khoa học đủ tiến bộ, các nhà nghiên cứu đã xác định hàng loạt căn bệnh từng giết chết những người được ướp xác. Nỗi lo virus, vi khuẩn cổ đại được bảo quản cùng xác ướp có thể lây lan bệnh cũng trỗi dậy.

Nguy cơ khó xảy ra

Người Ai Cập cổ đại thường phải đối mặt với nhiều căn bệnh. Các nghiên cứu cho thấy, họ bị ảnh hưởng bởi một loạt bệnh truyền nhiễm, bao gồm đậu mùa, bệnh lao và bệnh phong.

“Bóng ma” của đậu mùa - căn bệnh được cho là đã góp phần làm sụp đổ Đế chế Aztec ở châu Mỹ, gây nên hàng triệu cái chết ở châu Âu thế kỷ XVI - XIX và những lần bùng phát chết chóc vào thế kỷ XX - từng được phát hiện trên thi hài Pharaoh Ramesses V - vị pharaoh thứ tư của triều đại thứ 20 thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập.

Ông trị vì trong thời gian ngắn ngủi - năm 1147 - 1145 trước Công nguyên - do cái chết đột ngột. Các kỹ thuật của thế kỷ XXI đã phát hiện ra lý do: Đó là dấu vết của những tổn thương do đậu mùa còn nguyên vẹn trên thi hài.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố thanh toán bệnh đậu mùa trên toàn thế giới vào năm 1980. Tuy nhiên, liệu hàng nghìn năm sau, những xác ướp mới được khai quật có thể lây truyền bệnh đậu mùa hoặc bất kỳ căn bệnh nào khác từ cơ thể họ không? Ông Piers Mitchell - Giám đốc Phòng thí nghiệm Ký sinh trùng cổ đại của Đại học Cambridge (Anh) cho biết, điều đó cực kỳ khó xảy ra.

“Hầu hết các loài ký sinh trùng đều chết trong vòng 1 - 2 năm nếu không có vật chủ sống để bám vào. Nếu thời gian đợi là hơn 10 năm, tất cả loài ký sinh đều sẽ chết”, ông Mitchell giải thích.

Ví dụ, các loại virus đậu mùa gây bệnh đậu mùa chỉ có thể sinh sản trong tế bào của vật chủ sống. Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học quốc gia của Thư viện Y khoa quốc gia tại Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), vi khuẩn gây bệnh lao và bệnh phong cũng cần có vật chủ sống để tồn tại.

Tuy nhiên, bệnh đậu mùa lây lan qua tiếp xúc giữa người với người. Trong khi đó, bệnh lao và bệnh phong thường lây truyền qua các giọt bắn từ mũi và miệng, truyền qua hắt hơi hoặc ho.

Trong trường hợp bệnh phong, phải tiếp xúc lâu dài với người mắc thì bệnh mới lây lan. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), điều này là do hai loài vi khuẩn gây bệnh, được gọi là Mycobacteria leprae và Mycobacteria lepromatosis, nhân lên chậm.

Một yếu tố khác làm giảm khả năng ai đó mắc bệnh từ xác ướp là sự suy thoái ADN theo thời gian. Giám đốc Mitchell cho biết: “Qua phân tích, tất cả các đoạn ADN của những ký sinh trùng này khá ngắn.

Thay vì là những chuỗi ADN đẹp, dài và khỏe mạnh, chúng chỉ có khoảng 50 đến 100 cặp bazơ, giống như mọi thứ đã bị cắt nhỏ. Đó là bởi vì ADN đang xuống cấp và bị phá vỡ. Không còn cách nào để có thể tồn tại được nữa”.

Tuy nhiên, có một số loài giun đường ruột ký sinh được phân bố qua phân, sống lâu hơn các sinh vật khác. Ngoài ra, không phải tất cả đều cần vật chủ sống để tồn tại. Song, theo chuyên gia này, chúng cũng không phải là mối lo ngại lớn.

Ông Mitchell nói: “Những loài đó có thể có sức chịu đựng tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không loài nào trong số này có thể tồn tại hàng nghìn năm. Phần lớn ký sinh trùng chết khi vật chủ chết vì chúng không có cách nào sống sót”.

virus co dai co kha nang truyen benh.jpg
Người Ai Cập cổ đại thường phải đối mặt với nhiều căn bệnh.

Người Ai Cập cổ đại mang nhiều mầm bệnh

Trước đó, theo phân tích trên xác ướp Ai Cập công bố trong loạt sách Advances in Parasitology, khoảng 2/3 số xác ướp mang những loại mầm bệnh khác nhau. Trong đó, 22% là bệnh sốt rét và 40% là chấy rận.

Ví dụ, ở Thung lũng các vị vua, 4 trên 16 xác ướp được kiểm tra ký sinh trùng Plasmodium falciparum chịu trách nhiệm gây ra một dạng sốt rét nguy hiểm, cho kết quả dương tính. Một trong số đó là vua Tutankhamun. Vị pharaoh mắc hai chủng sốt rét khác nhau dù cái chết của ông có thể do ngã xe ngựa.

Theo tác giả nghiên cứu Piers Mitchell, 49 trên số 221 xác ướp Ai Cập được phân tích để kiểm tra khả năng mắc sốt rét đều dương tính. Mitchell và cộng sự suy đoán, sốt rét ảnh hưởng lớn tới số ca tử vong ở trẻ em và bệnh thiếu máu ở tất cả dân cư sống dọc sông Nile.

Trên thực tế, 92% xác ướp mắc bệnh sốt rét có xương xốp và nhiều dấu hiệu thiếu máu với đặc trưng là số lượng tế bào hồng cầu giảm. Gánh nặng bệnh tật như vậy được cho là đã gây ra hệ quả to lớn đối với thể lực và năng suất của lượng lớn người lao động.

Những loại ký sinh trùng khác được phát hiện ở xác ướp Ai Cập cổ đại bao gồm mầm bệnh toxoplasmosis liên quan tới bệnh tâm thần phân liệt. Theo nhóm nghiên cứu, con người có thể nhiễm toxoplasmosis khi tiếp xúc gần với mèo. Do vai trò làm vật cúng tế, mèo thường được ướp xác và dùng trong các nghi thức.

Ông Mitchell cũng ước tính, khoảng 10% xác ướp dương tính với bệnh leishmaniasis gắn liền với thiếu máu và gây tử vong ở 95% ca bệnh không được điều trị. Ký sinh trùng trong dạ dày như sán dây cá cũng được phát hiện ở hai xác ướp, có thể do ăn cá chưa nấu chín từ sông Nile.

Bệnh giun xoắn được ghi nhận ở cơ ngực của xác ướp mang tên Nakht, là thợ dệt trong nhà thờ hoàng tộc ở Thebes. Thường lây nhiễm qua thịt lợn chưa nấu chín, loài giun nhỏ này làm tổ bên trong mô cơ, có thể gây tử vong nếu tiến vào tim. Nakht cũng có giun sán ở cả mạch máu và đường tiết niệu.

Giống như 65% xác ướp trong nghiên cứu, ông còn mắc bệnh do sán máng ký sinh. Một xác ướp khác ở Bảo tàng Manchester thậm chí có giun sán ở não. Khoảng 40% trong số 218 xác ướp bị nhiễm chấy.

Lý giải về tỷ lệ nhiễm bệnh cao, Tiến sĩ Mitchell nghi ngờ sông Nile đóng vai trò như nguồn lây ký sinh trùng nhiệt đới trong nước, thường không gặp ở các vùng khô hạn. Do đó, muỗi mang mầm bệnh sốt rét và nhiều bệnh có hại khác phát triển mạnh ở Ai Cập cổ đại dù lượng mưa thấp.

Người Ai Cập cổ đại được biết đến là những người có tay nghề cao về y học và có kiến thức nhất định về giải phẫu và phẫu thuật. Nhiều bằng chứng cho thấy, họ có thể xác định, mô tả và điều trị vết thương như gãy xương hay trám răng cùng nhiều bệnh khác.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.