Phát hiện ung thư máu sau khi bị viêm lợi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 11/10, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo về mối liên quan mật thiết giữa sức khỏe răng miệng với các bệnh lý trong cơ thể.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc leucemie cấp (ung thư máu cấp tính). Ảnh: BVCC
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc leucemie cấp (ung thư máu cấp tính). Ảnh: BVCC

Mới đây, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam 16 tuổi, được chuyển tuyến từ một bệnh viện ở miền Trung với chẩn đoán viêm lợi tối cấp hoại tử.

Trước đó, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, chưa từng mắc một bệnh nội khoa nào khác. Gần đây, bệnh nhân đột ngột khởi phát sưng lợi toàn bộ 2 hàm. Tổn thương tiến triển nhanh, người mệt mỏi, kèm theo sốt nhẹ 38 độ C. Bệnh nhân được nhập viện tỉnh điều trị. Song, sau 5 ngày, bệnh tình càng trầm trọng nên đã chuyển tuyến Trung ương.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt, sốt 38,5 độ C, miệng ngậm không kín, chỉ có 2 răng hàm chạm nhau. Lợi 2 hàm thâm nhiễm cực nặng, răng toàn bộ 2 hàm lung lay độ 2, 3.

Ngay lập tức, bệnh nhân được xét nghiệm công thức máu cấp. Sau khi mời hội chẩn chuyên gia huyết học, bằng các xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc leucemie cấp (ung thư máu cấp tính) và được chuyển điều trị theo đúng chuyên khoa.

Leucemie (ung thư máu) hay còn gọi là bệnh máu trắng. Đây là tên gọi chung của một nhóm các bệnh máu ác tính. Bệnh leucemie cấp (ung thư máu cấp tính) đặc trưng là sự tăng sinh một loại tế bào máu non chưa trưởng thành trong tủy xương, gọi là tế bào blast.

Các nhà khoa học hiện nay chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh leucemie cấp. Tuy nhiên, người ta đã xác định được một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị bệnh leucemie cấp.

Các yếu tố này bao gồm: Những người bị nhiễm xạ (chẳng hạn các nạn nhân bom nguyên tử, các bệnh nhân được điều trị một số bệnh bằng tia xạ); một số hóa chất như benzene hoặc thuốc hóa chất sử dụng trong điều trị ung thư; một số bệnh bẩm sinh như hội chứng Down; một số bệnh lý tiền ung thư, chẳng hạn hội chứng rối loạn sinh tủy; một số virus như HLLV-I có thể gây leukemia cấp dòng lympho tế bào T.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thực - Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các biểu hiện bệnh lý trong khoang miệng vô cùng phong phú. Đây có thể là các biểu hiện của bệnh lý đơn thuần tại chỗ.

Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm để chẩn đoán các bệnh lý toàn thân khác. Do đó, cần hết sức lưu ý để không bị bỏ sót tổn thương. Đồng thời, sớm có định hướng chẩn đoán phù hợp và khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ