Cách thành Roma 100km, trong khu vực biệt thự La Necropoli del Bambini, các nhà khảo cổ tình cờ tìm thấy ngôi mộ chứa hài cốt của nhiều em bé. Điều đáng sợ là trong những ngôi mộ này xuất hiện dấu tích của việc chôn cất ma cà rồng từ thế kỷ thứ 5.
Cụ thể, trong ngôi mộ nhỏ này, người ta tìm thấy một bộ xương của một em bé 10 tuổi, không xác định giới tính, đã chết cách đây hơn 1.500 năm.
Trong miệng đứa trẻ này có một viên đá vôi rất to chặn ngang họng.
Việc xuất hiện viên đá trong mồm đứa trẻ là một sự cố tình.
Vậy đây là một nghi lễ hay một vụ sát hại?
Theo các nhà khảo cổ, người La Mã cổ đại có tục nhét vào mồm người chết một hòn đá lớn để họ không đội mồ sống dậy và gây bệnh dịch cho người sống.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, đứa trẻ này chết sau khi bị mắc bệnh sốt rét, một loại dịch bệnh bùng phát thời bấy giờ.
Những đứa trẻ này bị gọi là ma cà rồng, bởi vậy hình thức chôn cất có phần nhẫn tâm và kinh dị này được gọi là "Chôn cất kiểu ma cà rồng".
Ông Jordan Wilson, nhà khảo cổ sinh học và giáo sư tại đại học Arizona, Mỹ cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng những người còn sống họ đã quá sợ một dịch bệnh không rõ nguồn gốc, sợ đến nỗi tàn nhẫn với những đứa trẻ".
Các nhà khảo cổ học gọi đây là cách chôn cất tà ma, cách chôn cổ đại áp dụng đối với những người chết được cho là có năng lực siêu nhiên hoặc những người chết đã vi phạm các quy tắc xã hội.
Đây cũng là nguyên nhân khiến cho khu nghĩa trang bị bỏ hoang từ thế kỷ 5 này luôn hấp dẫn các nhà khảo cổ học.
Soren - một chuyên gia khảo cổ và các đồng nghiệp khảo cổ của mình đã tìm được 51 hài cốt của những đứa trẻ chết vì dịch bệnh hoặc chết ngay sau khi sinh.
Họ cũng tìm thấy hài cốt của một bé gái 3 tuổi mà chân và tay được buộc với hòn đá. Bé gái đó cũng chết vì dịch sốt rét. Đây cũng được cho là một hình thức khác của kiểu chôn ma cà rồng.
Những câu chuyện về người chết sống lại biến thành ma cà rồng hay quỷ hút máu đã có từ rất lâu, xuất hiện trong nền văn hóa của người Ai Cập, Hy Lạp và Babylon cổ đại hoặc nhiều hơn nữa.
Huyền thoại về ma cà rồng đã được lưu hành ở Đông Âu ít nhất từ thế kỷ 11. Người ta tin rằng, một số người sau khi chết đã bắt đầu cuộc sống mới đầy tội lỗi, với việc hút máu người để duy trì sự bất tử.
Loài sinh vật hung dữ này không chỉ hút máu người như thường lệ mà thay vào đó, chúng có thể giết chết người sống chỉ trong nháy mắt bằng những vết cắn ở động mạch cổ hay một nhát dao xuyên thẳng vào tim để lấy máu.
Ở Ba Lan, Ý và một số vùng hẻo lánh nước Anh có một tập tục chôn cất khá kỳ lạ. Một số người được chôn với lưỡi hái nằm ngang ngực hoặc nhét hòn đá vào hàm, họng.
Đây là cách thức phổ biến mà cư dân địa phương thời đó sử dụng nhằm ngăn chặn người chết tái sinh và biến thành ma cà rồng. Nó được gọi là nghi thức tang lễ "apotropaic" để tránh điều không may.
Phát hiện này đã đem lại một cái nhìn sâu sắc hơn về các hoạt động văn hóa, xã hội của của người dân châu Âu thời xưa.
Ngoài ra, đây có thể là tiền đề cho việc lý giải một số tập tục chôn cất cực đoan, chẳng hạn như tục thiêu sống phù thủy từng rất phổ biến.