Mặc dù Sudan sở hữu số lượng kim tự tháp nhiều đến mức đáng kinh ngạc, tuy nhiên tiềm năng khảo cổ học của khu vực này vẫn chưa được khám phá hết.
Từ thế kỷ thứ 8 TCN đến thế kỷ thứ 4 SCN, người Kushites cai trị một vùng đất rộng lớn cạnh sông Nile. Có lúc lãnh địa của họ lan rộng đến cả các con đường dẫn đến Địa Trung Hải.
Đôi lúc họ là đồng minh với người Ai Cập, đôi khi là kẻ thù. Khi các nhà khoa học tiến hành khảo sát các cổ vật, họ đã nhận thấy sự tương đồng rất lớn giữa hai nền văn hóa Ai Cập và Kushite.
Các kim tự tháp Sudan nhỏ hơn rất nhiều so với các kim tự tháp ở Ai Cập với phần sàn nhỏ hơn và tường dốc hơn. Những kim tự tháp này cũng là nơi chôn giấu các xác ướp hoàng gia và cất giữ vàng bạc và đồ trang sức.
Tuy nhiên, không giống như người Ai Cập, người Kushites chôn người chết trước và sau đó họ mới bắt đầu xây dựng các kim tự tháp.
Vương quốc Kush hoặc Kush là một vương quốc cổ đại ở châu Phi nằm trên khu vực hợp lưu của sông Nile Xanh, Nile Trắng và sông Atbara, ngày nay là cộng hòa Sudan.
Các kim tự tháp ở Sudan có kích thước khá nhỏ. Nguồn ảnh: UNESCO
Được thành lập vào giai đoạn cuối thời kỳ đồ đồng cùng với thời điểm Tân Vương Quốc suy tàn ở Ai Cập, kinh đô của nó đặt tại Napata trong giai đoạn đầu.
Sau khi vua Kashta ("người Kush") xâm chiếm Ai Cập vào thế kỷ thứ 8 TCN, các vị vua người Kush đã cai trị như là pharaoh của triều đại thứ 25 của Ai Cập suốt một thế kỷ, cho đến khi họ bị vua Psamtik I đánh đuổi vào năm 656 TCN.
Kinh đô của người Kush nằm tại Meroe. Trong những tác phẩm địa lý Hy Lạp thời kỳ đầu, vương quốc Meroe được biết đến với tên gọi Ethiopia. Vương quốc Kush với kinh đô là Meroe đã tồn tại cho đến tận thế kỷ thứ 4 SCN, khi mà nó bị suy yếu và tan rã do các cuộc nội chiến. Sau cùng, kinh đô của người Kush đã bị vương quốc Axum đánh chiếm và thiêu trụi hoàn toàn.
Cũng giống như các kim tự tháp Ai Cập, các kim tự tháp ở Meroë được xây dựng với mục đích là sử dụng làm lăng mộ cho các thành viên gia đình hoàng gia.
Những công trình mang tuổi đời khoảng 4.600 tuổi này đã đứng vững sau nhiều năm tháng cho đến thập niên 80. Vào khoảng thời gian này, nhiều tòa kim tự tháp đã bị phá hủy trong công cuộc truy tìm kho báu của nhà thám hiểm người Ý Giusepe Ferlini.
Các bức bích họa trang trí trong các ngôi mộ cũng phần nào miêu tả phong tục chôn cất của gần 40 nhà vua, nữ hoàng cũng như thành viên hoàng gia khác trong quần thể kim tự tháp này. Khác với ở Ai Cập, họ sẽ bị đem đi thiêu sau đó mới ướp xác và phủ lên bằng đồ trang sức và yên nghỉ trong các quan tài gỗ.
Bên cạnh xác ướp, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều vật bồi táng như xương người hoặc động vật cùng với đồ vật như vũ khí, đồ nội thất gỗ, gốm, bạc và đồng tàu… Rất nhiều vật trong số đó có nguồn gốc từ Ai Cập, Hy Lạp hay La Mã cổ đại.
Ngày nay, Meroë là địa điểm khảo cổ lớn nhất của Sudan. Tuy sở hữu những công trình đồ sộ cả về mặt kiến trúc lẫn giá trị văn hóa nhưng khu di tích này lại ít được biết đến.
Đó là do những rào cản kinh tế và du lịch áp đặt bởi nhiều quốc gia phương Tây lên đất nước này vì lo sợ về các cuộc nội chiến và cuộc xung đột ở Darfur.
Theo báo cáo, Sudan chỉ tiếp nhận ít hơn 15.000 khách du lịch mỗi năm, chỉ bằng 1/10 lúc trước và con số này không có dấu hiệu tăng. Chính điều này đã khiến những kim tự tháp này vẫn đang chỉ là một viên ngọc bị bỏ quên nơi sa mạc.