Phát hiện quái vật dưới biển sâu

GD&TĐ - Các nhà khoa học nghiên cứu vùng nước biển sâu bao quanh Australia. Họ đã phát hiện nhiều sinh vật khác thường, trong đó có loài “cá không mặt”.

Phát hiện quái vật dưới biển sâu

Trong quá trình nghiên cứu tại một trong những vùng nước sâu nhất của đại dương – khu vực Eastern Abyss thuộc Australia, các nhà khoa học đã bắt gặp nhiều sinh vật kỳ lạ. Một trong số đó là “cá không mặt”.

Sinh vật đặc biệt này là phiên bản “cá không mặt” thứ hai. Trước đó, vào năm 1873, lần đầu tiên, các thủy thủ trên tàu nghiên cứu HMS Challenger phát hiện “cá không mặt” trên vùng nước thuộc Papua New Guinea.

Sứ mệnh mới nhất, nhờ đó các nhà nghiên cứu phát hiện các loài sinh vật biển khác thường, được sự dẫn dắt của Bảo tàng Victoria và Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp của khối Thịnh vượng chung CSIRO (Australia). Sứ mệnh kéo dài 1 tháng với sự tham gia của 40 nhà khoa học. Họ nghiên cứu về sự sống ở dưới độ sâu 4.000 mét dưới bề mặt đại dương.

Các nhà nghiên cứu khởi hành từ vịnh Bell ở Tasmania và tiến hành nghiên cứu tại 7 khu bảo tồn biển từ phía Đông Tasmania đến Biển San hô gần Queensland.

Hiện tại, các nhà khoa học tiết lộ kết quả nghiên cứu ban đầu, trong đó có những thông tin về nhiều loài sinh vật biển kỳ lạ, có vẻ như là mới đối với khoa học.

Ông Tim O’Hara, nhà nghiên cứu chính ở Bảo tàng Victoria cho biết, khoảng 1/3 số sinh vật mà họ gặp là những loài hoàn toàn mới. Mặt dù con cá bị “mất mặt” (tiếng Anh: Faceless fish) không phải là mới đối với khoa học, nhưng là cá thể hiếm gặp. Trong thực tế, con cá có lỗ miệng, nhưng do nó không có mắt nên trông như thể không có mặt. Ông O’Hara lý giải, dưới biển sâu rất tối, vì vậy phần lớn động vật sống ở đó không cần mắt. “Con cá không có mắt, không có mũi rõ ràng, nhưng miệng của nó nằm ở phía dưới” – ông O’Hara mô tả về “con cá không mặt” như vậy.

Sứ mệnh nghiên cứu các vùng nước bao quanh Australia có mục đích tìm hiểu và nghiên cứu đa dạng sinh học ở những độ sâu khác nhau.

“Những vùng biển thẳm là những nơi sâu nhất trên hành tinh mà các sinh vật sinh sống, chiếm tới một nửa tổng diện tích đại dương. Tuy nhiên, chúng cũng là môi trường chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng” – ông O’Hara nói. Ông cũng cho biết, đến nay các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu vật của vài ngàn loài dưới biển sâu.

Một số loài động vật khác được phát hiện trong chuyến thám hiểm là: Hải miên ăn thịt, cua đỏ Grapsus grapsus, nhện biển không mắt, cá Chaunax endeavouri...

Theo ông O’Hara, kết quả của sứ mệnh nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về môi trường sống dưới biển Australia. Sau khi thu thập các mẫu vật, các nhà khoa học sẽ tạo ra những mô hình đa dạng sinh vật và tiến hóa các loài, dựa trên các nghiên cứu hóa học và phân tích DNA. “Chúng ta biết rằng, động vật đã có mặt dưới biển sâu từ ít nhất 40 triệu năm trước. Tuy nhiên, cho tới nay chúng ta mới chỉ lấy được một phần nhỏ các mẫu vật từ dưới biển Australia” – ông O’Hara cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ