Phát hiện mới về Vương quốc Tân La

GD&TĐ - Từ năm 2017 đến nay, giới khảo cổ Hàn Quốc phát hiện 3 bộ xương dưới chân tường thành Cung điện Wolseong, tàn tích Kinh đô Gyeongju, Tân La (57 TCN – 935 SCN).

Khu di tích lịch sử Gyeongju và vị trí phát hiện 3 nạn nhân hiến tế (khoanh tròn).
Khu di tích lịch sử Gyeongju và vị trí phát hiện 3 nạn nhân hiến tế (khoanh tròn).

Qua xác minh, họ xác nhận đây là những cư dân cổ đại bị sát hại vì mục đích hiến tế.

Triều đại đầu tiên

Theo ghi nhận từ Samguk sagi – tài liệu sách sử cổ nhất Hàn Quốc, Tân La được thành lập vào năm 57 TCN. Tuy nhiên, “nó không có vẻ gì giống với vương quốc, cho đến tận thế kỷ IV”, Mark Byington, Chủ tịch Viện nghiên cứu Hàn Quốc (Mỹ), cho biết.

Những năm TCN, Tân La có lẽ chỉ là thế lực nổi trội hơn trong các nhóm người cùng sinh tồn trên bán đảo Triều Tiên. Nhờ quân lực mạnh, họ đàn áp các đối thủ, trở thành người đứng đầu.

Sau khi thành công thống nhất bờ cõi, Tân La mới bắt tay vào xây dựng vương triều và đặt Gyeongju làm đất đóng đô. Tại đây, họ xây dựng hệ thống cung điện và tường thành đầu tiên – Kinh đô Gyeongju.

Khoảng năm 50 – 70, Tân La tiến hành xây dựng Cung điện Wolseong. Rất có thể, khoảng thời gian này mới là thời kỳ đánh dấu sự khởi đầu của Vương quốc Tân La.

Wolseong nằm trên một ngọn đồi, có cấu trúc tổng thể giống như hình Mặt trăng lưỡi liềm, nên còn được gọi là Cung điện Mặt trăng. Cũng trong thời gian xây dựng Wolseong, Tân La phải đối mặt với 2 kẻ thù lớn: Bách Tế ở phía Tây Nam và Cao Câu Ly ở phía Bắc. Họ hình thành thế chân vạc, tạo nên Tam quốc (Three Kingdoms Period).

Những bộ xương hiến tế

Xương cốt của cặp vợ chồng nông dân tuổi 50 dưới chân tường thành Cung điện Mặt trăng.

Xương cốt của cặp vợ chồng nông dân tuổi 50 dưới chân tường thành Cung điện Mặt trăng.

Thập niên 1980, một nhóm khảo cổ Hàn Quốc tiên phong khai quật di tích Cung điện Mặt trăng. Họ tìm thấy xương người và xương động vật. Lịch sử Tân La không có bất cứ ghi chép gì về tục lệ hiến tế người sống xây tường thành, nên không nhà nghiên cứu nào nghĩ có chuyện này trong hoạt động xây dựng Wolseong.

Năm 2017, nhóm khảo cổ khác đã chọn đoạn tường thành của Cung điện Mặt trăng dài khoảng 36m và cao hơn 9m, triển khai hoạt động khai quật. Họ đào được 2 bộ xương, 1 nam 1 nữ, nằm cạnh nhau dưới chân tường.

Kết quả phân tích 2 bộ xương cho thấy, đây là 1 cặp phu phụ nông dân, độ tuổi 50. Trên xương cốt không có dấu hiệu chống cự vật vã và thương tích trước khi chết, nghi ngờ tử vong vì hiến tế.

Mặc dù sử sách Hàn Quốc không có ghi chép nào về hiến tế con người trong xây dựng, nhưng dân gian thì lưu truyền nhiều câu chuyện rùng rợn. Theo đó, từ thời Tân La, các nhà cai trị đã hiến tế người sống vì mục đích bảo vệ thành lũy, thậm chí là cả lăng mộ.

Đối tượng bị chọn hiến tế là những người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Theo Samguk sagi, giới thượng lưu Tân La đã luôn bắt nô lệ chôn sống trong lăng mộ, làm nô linh bảo vệ quan tài. Nó nghiêm trọng đến mức, vào năm 502, nhà vua tại vị phải ban lệnh cấm.

Đầu năm 2021, Hàn Quốc có thêm phát hiện chấn động ở Cung điện Mặt trăng. Đó là xương cốt của một cô gái trẻ, được chôn cách cặp vợ chồng nông phu chỉ vài bước chân.

Trên tay cô gái này vẫn còn 1 chiếc vòng và trên đầu có 1 chiếc hoa tai, cả 2 đều làm bằng thủy tinh. Chúng là những trang sức rẻ tiền, từng được người dân Tân La cổ đại nghèo ưa thích.

Hiến người xây thành

Xương cốt của cô gái trẻ, chỉ cách nơi cặp vợ chồng nông dân luống tuổi vài bước chân.

Xương cốt của cô gái trẻ, chỉ cách nơi cặp vợ chồng nông dân luống tuổi vài bước chân.

Bộ xương của cô gái trẻ dưới chân tường thành Cung điện Mặt trăng củng cố cho nghi vấn hiến tế người xây thành. Sau khi quan sát tổng thể, các nhà khảo cổ Hàn Quốc nhận ra cấu trúc lớp móng tường thành đặc biệt.

Nó được thiết kế để có khoảng trống dành riêng cho các bộ xương. Người ta dự đoán, 3 nạn nhân hiến tế đã bị giết cùng lúc và xếp trong lớp móng của tường thành, với mục đích cầu nguyện sự vững bền.

Trong lõm móng chôn cặp vợ chồng nông dân, có vài mảnh gốm vỡ. Trong lõm móng chôn cô gái trẻ có 1 bình gốm vẫn còn nguyên vẹn và một chiếc bát nhỏ. Phân tích xương và răng của cả 3 nạn nhân thấy dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng.

“Chúng tôi nghĩ, họ chỉ là những người thuộc tầng lớp xã hội thấp nhất”, nhà khảo cổ Jang Ki-myeong, Viện Quốc gia Gyeongju (Gyeongju National Institute) suy đoán. Sau khi chôn 3 nạn nhân này trong lớp móng, các thợ xây Tân La mới tiến hành xây tường thành.

Quay trở lại với thời gian khởi công Cung điện Mặt trăng, Tân La luôn trong tình trạng bị Bách Tế và Cao Câu Ly ngấp nghé uy hiếp. Đây là thời kỳ nguy hiểm đối với quốc gia vừa mới hình thành. Bất cứ lúc nào, họ cũng có khả năng bị kẻ địch tấn công, tàn phá.

Trong vai trò nhà cai trị, các đời vua Silla có thể đã bất chấp đạo lý, làm mọi thứ vì mục đích bảo vệ cung điện. Họ bắt chước mê tín hiến tế người xây tường thành từ Trung Quốc, sát hại một số con dân, chôn trong lớp móng tường thành.

Năm 2000, toàn khu di tích lịch sử Gyeongju, Hàn Quốc được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngoài Cung điện Mặt trăng, nơi đây còn tổng cộng khoảng 7 nghìn đình, chùa, lăng mộ và các công trình kiến trúc cổ khác. Nó lưu giữ lịch sử và hiện vật của hơn 1 nghìn năm Triều đại Tân La.

Theo Atlasobscura

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...