(GD&TĐ) - Hôm nay (23/10), ông Lê Ngọc Tuấn - Giám đốc BQL Khu bảo tồn Sao la (Thừa Thiên - Huế) - cho biết: Qua đợt kiểm tra bẫy ảnh mới đây cán bộ và lực lượng bảo vệ rừng Khu bảo tồn Sao la đã phát hiện hình ảnh của Mang lớn ngoài tự nhiên ở khu bảo tồn.
Mang lớn vừa được phát hiện. Ảnh do Khu bảo tồn Sao la (Thừa Thiên - Huế) cung cấp |
Việc Mang lớn và các loài đặc hữu khác xuất hiện trong Khu bảo tồn Sao la cho thấy tiềm năng về đa dạng sinh học rất lớn ở Khu bảo tồn này, một lần nữa ghi nhận các hoạt động hiệu quả của đội tuần tra bảo vệ rừng cũng như nỗ lực của toàn thể cán bộ Khu bảo tồn trong các hoạt động bảo vệ.
Hiện WWF đang giúp đỡ cho BQL Khu bảo tồn Sao la đặt các bẫy ảnh trong Khu bảo tồn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thu được nhiều hơn nữa ảnh về động vật hoang dã quý hiếm xuất hiện và hy vọng có thể trong đó có cả Sao la - ông Tuấn cho hay.
Trước đó vào năm 1994, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (Bộ Lâm nghiệp) phối hợp với đội dự án của WWF Chương trình Đông dương tại Vũ Quang (Hà Tĩnh) tiến hành sau sự kiện phát hiện ra loài mới Sao la, đã lại phát hiện ra một loài hươu cỡ trung bình nữa.
Loài hươu mới này có họ hàng rất gần với loài Mang thường (Muntiacus muntjac) nhưng lại khác hẳn loài mang thường ở nhiều đặc điểm. Đó là loài Mang lớn, có tên khoa học Muntiacus vuquangensis.
Các mẫu sừng, sọ quý hiếm của loài này được tìm thấy ở vùng rừng dãy Trường Sơn. Loài này cũng được phân bố ở Trung Lào.
Loài mang lớn - Muntiacus vuquangensis - có phân bố rộng hơn Sao la, là loài chỉ có ở dãy Trường Sơn.
Minh Ngọc