Phát hiện kiến thức uyên bác của người Ai Cập từ xưởng ướp xác

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ đống đổ nát của một xưởng ướp xác, các nhà khoa học phát hiện các chất và công thức pha chế mà người Ai Cập cổ đại dùng.

Minh họa cảnh ướp xác có sự xuất hiện của một linh mục trong căn phòng dưới lòng đất của xưởng.
Minh họa cảnh ướp xác có sự xuất hiện của một linh mục trong căn phòng dưới lòng đất của xưởng.

Các học giả trước đây đã biết tên của các chất được sử dụng để ướp xác người chết từ các văn bản Ai Cập. Tuy nhiên, cho đến gần đây, họ cũng chỉ có thể đoán chính xác những hợp chất và vật liệu mà các văn bản trên đề cập đến.

Giờ đây, việc phân tích phân tử cặn trong những chiếc bình được khai quật từ một địa điểm được phát hiện vào năm 2016 ở Saqqara, một khu chôn cất cổ xưa, đã tiết lộ một số câu trả lời.

Các nhà khoa học phân tích chất cặn bã được tìm thấy trên các bình được khai quật từ xưởng ướp xác.

Các nhà khoa học phân tích chất cặn bã được tìm thấy trên các bình được khai quật từ xưởng ướp xác.

Tổng cộng có 121 chiếc bình đã được phục hồi từ xưởng ướp xác dưới lòng đất, chúng được sử dụng vào thế kỷ thứ 7 và thứ 6 trước Công nguyên. Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature, các nhà khoa học có trụ sở tại Đức và Ai Cập đã nghiên cứu dư lượng hữu cơ trong 31 bình được dán nhãn rõ ràng nhất.

Những chiếc bình tiết lộ rằng người Ai Cập cổ đại đã sử dụng nhiều loại chất khác nhau để xức xác sau khi chết, nhằm giảm mùi khó chịu và bảo vệ nó khỏi nấm, vi khuẩn và sự thối rữa. Các vật liệu được xác định bao gồm dầu thực vật như cây bách xù, cây bách và cây tuyết tùng cũng như nhựa từ cây hồ trăn, mỡ động vật và sáp ong.

Các nhà khảo cổ cũng có thể xác định những chất cụ thể được sử dụng để bảo quản các bộ phận cơ thể khác nhau. Ví dụ, nhựa hồ trăn và dầu thầu dầu chỉ được sử dụng cho phần đầu.

“Tôi bị cuốn hút bởi kiến thức hóa học này” - giáo sư khảo cổ học thời tiền sử ở phía đông Địa Trung Hải Philipp Stockhammer tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich (Đức) và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một cuộc họp báo.

“Họ biết họ cần đưa những chất gì lên da - chất kháng khuẩn, kháng nấm - để giữ cho da được bảo quản tốt nhất có thể mà không có bất kỳ kiến thức về vi sinh vật nào, thậm chí không biết về vi khuẩn. Kiến thức khổng lồ này đã được tích lũy qua nhiều thế kỷ” – ông nói thêm.

Các chất ướp xác có nguồn gốc từ khắp Địa Trung Hải và xa hơn nữa.

Các chất ướp xác có nguồn gốc từ khắp Địa Trung Hải và xa hơn nữa.

Các phát hiện cũng bao gồm rằng chất mà người Ai Cập cổ đại gọi là “antiu” và được dịch là nhựa thơm hoặc trầm hương. Đây là hỗn hợp của một số thành phần khác nhau: hỗn hợp dầu tuyết tùng, dầu bách xù và dầu cây bách và mỡ động vật.

Đồng tác giả của nghiên cứu trên là Susanne Beck, một nhà nghiên cứu tại Khoa Ai Cập học và là người phụ trách Bộ sưu tập Ai Cập tại Đại học Tübingen ở Đức. Bà lưu ý rằng thật khó để biết các chất được tìm thấy tại địa điểm Saqqara được sử dụng phổ biến như thế nào bởi vì rất ít xưởng ướp xác được phát hiện.

Khu vực khai quật Dự án Lăng mộ Saqqara Saite nhìn ra kim tự tháp Unas và kim tự tháp bậc thang Djoser.

Khu vực khai quật Dự án Lăng mộ Saqqara Saite nhìn ra kim tự tháp Unas và kim tự tháp bậc thang Djoser.

Các thành phần được sử dụng trong xưởng rất đa dạng và không chỉ có nguồn gốc từ Ai Cập, mà còn xa hơn nữa. Trong khi nhiều chất đến từ khắp Địa Trung Hải, họ cũng tìm thấy dư lượng cao su dammar và nhựa elemi, có khả năng đến từ các khu rừng ở Đông Nam Á, hoặc có thể là các vùng nhiệt đới của Châu Phi.

Theo các nhà nghiên cứu, điều này tiết lộ việc trao đổi hàng hóa từ xa, mặc dù cần phải làm nhiều việc hơn nữa để hiểu các đặc tính chính xác của các chất này và lý do tại sao chúng có nguồn gốc từ rất xa.

Salima Ikram, một giáo sư nổi tiếng về Ai Cập học tại Đại học Mỹ ở Cairo cho biết: “Những loại nhựa này cung cấp bằng chứng mới cho các mạng lưới thương mại đường dài. Nó cũng đặt ra câu hỏi về cách thức và thời điểm người Ai Cập biết đến những loại nhựa này cũng như hiểu sâu về các đặc tính và sự liên quan của chúng đối với quá trình ướp xác”.

Bà Ikram nói rằng người Ai Cập đã bảo quản xác chết của con người và động vật với mục đích cung cấp một ngôi nhà vĩnh viễn cho linh hồn của người quá cố. Quá trình ướp xác, cùng với các nghi lễ liên quan, thường kéo dài khoảng 70 ngày và được cho là có thể biến người đã khuất từ phàm nhân thành một đấng thiêng liêng.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ