Điều đặc biệt là, hoá thạch trứng này chứa một phôi thai. Trong bài báo đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, nhóm nghiên cứu đã mô tả nơi tìm thấy quả trứng và những gì họ tìm hiểu được trong quá trình kiểm tra.
Việc tìm thấy trứng của khủng long hoặc rùa từ kỷ Phấn trắng là điều vô cùng hiếm. Bởi, bản chất mỏng manh của các loại trứng này khiến chúng khó tồn tại cho đến nay, ngay cả trong điều kiện hoàn hảo. Việc tìm thấy một phôi thai hóa thạch trong một quả trứng như vậy thậm chí còn hiếm hơn.
Nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện hoá thạch trứng rùa khi họ đến thăm một nông dân ở tỉnh Hà Nam. Người nông dân này đã vô tình đào lên thứ mà anh ta mô tả là một số tảng đá có vẻ kỳ lạ.
Thực tế, một trong những tảng đá đó là hoá thạch trứng rùa. Nhóm nghiên cứu đã xác định, hoá thạch này có từ thời kỷ Phấn trắng, khoảng từ 66 - 145 triệu năm trước.
Khi nghiên cứu bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm cả chụp cắt lớp vi tính, các nhà nghiên cứu có thể thấy, quả trứng trong hoá thạch là của một con rùa thuộc nhóm Nanhsiungchelyids. Đây là một loài rùa đất đã tuyệt chủng sau khi thiên thạch va vào Trái đất 66 triệu năm trước.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, trứng của loài rùa này đều khá lớn. Mẫu vật được tìm thấy mới đây có thể có đường kính vỏ lên tới 1,5 mét. Để tìm hiểu thêm về các đặc điểm của hoá thạch trứng này, nhóm nghiên cứu đã tái tạo phôi bằng một ứng dụng phần mềm 3D.
Sau khi thực hiện, họ đã tìm thấy những chiếc xương sườn đặc trưng của rùa con hiện đại. Khi con rùa lớn lên, những chiếc xương này sẽ dần cấu tạo thành mai. Các nhà nghiên cứu cho rằng, loài rùa cổ đại có thể không khác nhiều so với rùa ngày nay. Tuy nhiên, một ngoại lệ là trứng của rùa cổ đại có vỏ dày hơn nhiều.
Theo quy luật, vỏ trứng khá mỏng, cho dù là của chim hay rùa. Điều này là do sinh vật nhỏ đang phát triển bên trong một lúc nào đó phải tìm cách thoát ra ngoài.
Tuy nhiên, với lớp vỏ dày gần 2 mm, rùa con trong quả trứng cổ đại sẽ cần một số khả năng đặc biệt để có thể ra ngoài.