Phát hiện đơn vị đo khối lượng của người Việt

 Khi tìm hiểu về chuông Thanh Mai, nhiều nhà khoa học không khỏi bất ngờ vì trên thân chuông có đoạn ghi trọng lượng quả chuông...

Chuông Cân Nam được lưu giữ cẩn thận trong lồng kính tại Bảo tàng Hà Nội.
Chuông Cân Nam được lưu giữ cẩn thận trong lồng kính tại Bảo tàng Hà Nội.
Cân Nam chính là đơn vị tính khối lượng cách đây hơn 1.000 năm của người Việt, được các nhà khoa học phát hiện ra trong quá trình nghiên cứu chuông Thanh Mai – Bảo vật Quốc gia hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
Đơn vị tính khối lượng cách đây 1.000 năm của người Việt
Khi tìm hiểu về chuông Thanh Mai, nhiều nhà khoa học không khỏi bất ngờ vì trên thân chuông có đoạn ghi trọng lượng quả chuông: “Chuông nặng 90 cân Nam”. Từ đây, giới nghiên cứu văn hóa cho rằng, cân Nam chính là đơn vị đo khối lượng của người Việt cách đây hơn 1.000 năm. Đây là vấn đề thú vị nhưng không dễ nghiên cứu. Bởi từ trước đến nay, giới khảo cổ học và nghiên cứu văn hóa chưa tìm thấy một chiếc cân nào có tên là cân Nam như bài minh khắc trên chuông Thanh Mai, vì thế, hình dáng của cân Nam như thế nào? Dài ngắn làm sao?... vẫn còn bí ẩn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Phó phòng Kiểm kê - Bảo quản, Bảo tàng Hà Nội thừa nhận: “Hiện trong giới nghiên cứu văn hóa và khảo cổ học không nhiều người giải mã được thông tin về đơn vị cân Nam in trên thân chuông. Một vài người có tìm hiểu vấn đề ở dạng suy đoán vì không có bất cứ bằng chứng, phát hiện khảo cổ học nào về đơn vị đo khối lượng từng được phát hiện trước đó. Điều này làm cho công việc tìm hiểu về chiếc cân Nam gần như lúc lâm vào bế tắc.
Tuy nhiên, vượt qua những bí ẩn mang tính lịch sử, thời đại. Thông tin in trên thân chuông Thanh Mai vẫn là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho các nhà nghiên cứu khoa học. Nó chứng minh được rằng, người Việt Nam chúng ta cũng có cách đo khối lượng của vật cách đây hơn 1.000 năm . Có nghĩa là trình độ, năng lực về tư duy, kỹ thuật của chúng ta không thua kém những nền văn hóa khác”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Kim Ngọc trước đây khi nghiên cứu chuông Thanh Mai cũng đã khẳng định rằng: Chuông Thanh Mai là sản phẩm đúc đồng của người Việt Nam. Bài minh văn trên thân chuông có hai lần ghi trọng lượng của quả chuông là “Nam xứng cửu thập cân”, tức là 90 cân Nam. 

Như vậy, có thể thấy trọng lượng chuông được tính theo đơn vị đo khối lượng của người Nam, độc lập với đơn vị đo khối lượng của người phương Bắc (tức là không phải Trung Quốc). Cân được tìm thấy trong lòng đất, ven sông đáy, xung quanh không có dấu hiệu về sự chôn cất hay mai táng, chứng tỏ chuông bị nước cuốn trôi và bị phù sa vùi lấp.

Sau khi phát hiện ra đơn vị đo khối lượng của người Việt Nam, một số nhà nghiên cứu đã tính toán, quy đổi trọng lượng cân Nam so với đơn vị tính trọng lượng (kg) hiện tại. Cụ thể, chuông Thanh Mai nặng 36kg mà trên thân chuông ghi là 90 cân Nam, suy ra 1 cân Nam bằng 0,4kg. 2,5 cân Nam bằng 1kg hiện nay, tương đương 90 cân Nam bằng 36kg.
Bảo vật quý giá
Trước khi phát hiện chuông Thanh Mai, nhiều người tin rằng, chiếc chuông có niên đại sớm nhất của nước ta là chuông chùa Vân Bản (niên đại thế kỷ XIII – XIV), vì thế, khi phát hiện ra chuông Thanh Mai, giới nghiên cứu như không tin vào mắt mình, bởi niên đại của chiếc chuông này sớm hơn chuông chùa Vân Bản đến 5 thế kỷ.
Thời gian đầu, khi mới phát hiện chuông tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nhiều người đã nghi ngờ đây là một quả chuông giả, làm lại từ một phiên bản chuông khác. Tuy nhiên sau đó, giới nghiên cứu nhận định, chuông chính xác được làm từ năm 798, trên thân chuông có trên 1.500 chữ, tất cả những chữ này được khắc cùng thời điểm đúc chuông vì trên thân không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có chữ khắc thêm vào giai đoạn sau. Ngoài ra, kích thước của chuông cũng thuộc loại nhỏ. Giới nghiên cứu nhận định, ở giai đoạn sớm, kích thước của chuông thường nhỏ, số núm gõ ít, càng về sau thì kích thước lớn hơn, số núm gõ tăng lên, kỹ thuật tinh xảo hơn...
Phat hien don vi do khoi luong cua nguoi Viet-Hinh-3
Chuông Thanh Mai đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia tháng 1/2015.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã dịch thông tin minh văn trên thân chuông, đối chiếu với lịch sử các triều đại và thời kỳ lịch sử thì thấy cho sự trùng khớp. Bà Nguyễn Thị Giang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tây (cũ) tóm tắt nội dung bài minh văn: “Duy Trinh Nguyên thập tứ niên tuế thứ, Mậu Dần tam nguyệt, Tân Tỵ sóc tráp nhật Canh Tuất, tùy hỉ xã ngũ thập tam nhân công tạo minh chung nhất khẩu, dung đồng cửu thập cân lưu thông cúng dường.
Dịch nghĩa: “Vào ngày 20/3 năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên (niên hiệu vua Đức Tông của nhà Đường, trị vì từ năm 785 - 810) thứ 14 (tức năm 798 dương lịch), 53 người trong hội tùy hỷ (một tổ chức phật giáo đương thời) cùng đúc một quả chuông đồng hết 90 cân lưu truyền cúng lễ”. Phần lớn bài minh tập trung vào việc liệt kê danh sách và chức tước của những người tham gia đúc chuông hoặc công đức vào việc đúc này. Có tất cả 212 người được khắc chuông trên bia thanh mai theo thứ tự lần lượt từ 4 ô trên cho đến 4 ô dưới gồm 78 vị quan chức, còn lại là những thiện tín nhà Phật”.
Với những thông tin quý giá, như niên đại, danh sách người tham gia... chuông chùa Thanh Mai đã được liệt vào hàng bảo vật Quốc gia có giá trị cần được bảo vệ. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về chuông chùa tại Việt Nam cho biết: Trên thân chuông có in đơn vị đo khối lượng của người Việt Nam cách đây hơn 1.000 năm là điều thú vị, giúp giới nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về những tiến bộ về khoa học, công nghệ của cha ông ta cách đây hơn 10 thế kỷ.
Quả chuông Thanh Mai có niên đại sớm nhất từ trước tới nay từng được phát hiện với hệ thống chữ khắc và hình dáng độc đáo khác biệt hoàn toàn so với tất cả các hệ thống chuông chùa hiện nay ở Việt Nam. Nghệ thuật trang trí và đúc chuông thể hiện đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc, đúc đồng của cha ông ta cách đây hơn 1.000 năm.
Theo Kiến thức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ