BBC nhận định khám phá này thêm vào hệ thống “cây người” trong quá trìnhtiến hoá loài mới có tên Homo luzonensis, lấy tên đặt theo tên hòn đảo lớn nhất của nước này – đảo Luzon nơi phát hiện ra các dấu vết.
Phát hiện này cho thấy loài người từ một nhóm ở Châu Phi đã toả đi nhiều nơi ở lục địa Á – Phi sang đến tận Đông Nam Á. Trước đó các nhà khoa học đã tìm được dấu vết của lời người cổ có tên Homo floresiensis, sống trên đảo Flores của Indonesia cách đây 50.000 năm.
Như vậy các hòn đảo hay quần đảo tại Đông Nam Á có thể là địa bàn sinh sống của nhiều chủng loài người cổ toả đi từ Châu Phi.
Với Homo luzonensis, người cổ này được tìm thấy dấu vết ở hang động Callao, nằm ở phía bắc đảo Luzon với các di vật có niên đại từ 67.000 đến 50.000 năm trước.
Các di vật này gồm 13 hài cốt bao gồm răng, xương tay và chân, một phần xương đùi thuộc về ít nhất 3 cá thể trưởng thành. Homo luzonensis có các đặc điểm tương đồng về thể chất với những giống người gần đây nhưng mặt khác cũng có các đặc điểm thể chất tương tự australopithecines, những sinh vật giống vượn đi thẳng sống ở châu Phi vào khoảng 2 đến 4 triệu năm về trước, cũng như các thành viên rất sớm khác của chi Homo (chi người).
Xương ngón tay và xương ngón chân cong, cho thấy leo trèo vẫn là một hoạt động quan trọng đối với loài người cổ mới được phát hiện này. Đây cũng là đặc điểm từng được ghi nhận ở loài australopithecines.
Phát hiện này làm thay đổi cách nghĩ của chúng ta về sự tiến hoá của loài người từ khi rời Châu Phi thời săn bắt, hái lượm.
Loài Homo erectus từ lâu đã được cho là thành viên đầu tiên của dòng người trực tiếp toả đi từ châu Phi - khoảng 1,9 triệu năm trước sang khu vực Đông Á hay Đông Nam Á.
Ngoài ra, Luzon là đảo chỉ có thể tiếp cận được bằng đường biển. Phát hiện này đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào các loài người cổ có thể đến đây?