Phát hiện con nhìn bài bạn để đạt điểm cao, cha mẹ cần làm gì?

GD&TĐ - Với mong muốn được “lĩnh” phần thưởng từ cha mẹ, nhiều trẻ đã không ngại nhìn bài bạn trên lớp để đạt được thành tích cao trong học tập.

Phát hiện con nhìn bài bạn để đạt điểm cao, cha mẹ cần làm gì?

Rất nhiều các bậc phụ huynh đưa ra mức thưởng khi con đạt điểm cao hay thành tích tốt là được thưởng tiền hay món quà giá trị, không phải trẻ nào khi đạt điểm cao cũng là thực lực của mình mà đôi khi nhìn bài bạn để đạt điểm cao, điều đó khiến trẻ mất đi khả năng nuôi dưỡng tính ham học và ý thức trách nhiệm về việc tự học.

Con nhìn bài bạn để… lấy thành tích

Bé Thu Phương - đang học lớp 2 (nhà chị H. ở Linh Đàm – Hoàng Mai) Hà Nội là một ví dụ, ngày nào đi học về bé cũng khoe mẹ hôm nay đạt thành tích cao và được cô giáo khen ngợi. Nghe thấy điều này, cha mẹ nào cũng cảm thấy vui, chứ nói gì chị H.

Trước đó, chồng chị và con gái đã có một cuộc thỏa thuận, mỗi lần con đạt thành tích cao, người cha sẽ thưởng cho con một món quà (có giới hạn về giá trị), nhằm khuyến khích con cố gắng hơn.

Cũng vì lý do này, thời gian gần đây con liên tục nhận được quà từ bố. Tuy nhiên, điều đáng nói, mỗi buổi tối hướng dẫn con làm bài tập ở nhà, chị H. nhận thấy nhận thức của con ở hầu hết các môn học chỉ ở mức trung bình. Trong khi đó, bài tập về nhà do cô giáo giao nếu không nhờ sự hướng dẫn của mẹ, bé khó có thể hoàn thành khiến chị sinh nghi.

Một buổi tối, trong lúc trò chuyện vui vẻ với con, chị H. gặng hỏi về cách thức làm bài tập trên lớp của con, cùng với đó, chị H. bắt thóp con bằng câu nói đùa: “Mẹ nghe một số bạn lớp con tố cáo rằng, trên lớp con hay nhìn bài bạn lắm phải không”. Lúc đầu bé chối cãi rằng con tự làm rồi mang cho cô giáo nhận xét, nhưng khi gặng hỏi một vài chi tiết, con đành thú nhận thường xuyên nhìn bài bạn mới kịp mang trả bài cho cô giáo.

Cha mẹ xử lý thế nào khi phát hiện con nhìn bài bạn

Việc giám sát con học hành là trách nhiệm của cha mẹ trong mỗi gia đình, nhiều trẻ nhỏ chưa ý thức được trách nhiệm học và làm bài tập của mình nên cần có sự đốc thúc và hỗ trợ từ phía người lớn.

Nhiều cha mẹ vì muốn khích lệ con trong quá trình học tập để con có động lực cố gắng hơn, nên đã đưa ra những phần thưởng về vật chất nếu con đạt thành tích như như mong muốn.

Đây có thể là lý do khiến con có sự dối trá trong học đường, bởi không phải trẻ nào cũng cố gắng học tốt được để đoạt được phần thưởng đó, mà nhiều trẻ vì muốn chiếm được phần thưởng, đã tìm mọi cách (kể cả việc gian lận như nhìn bài bạn) để mang về khoe “chiến tích”.

Xử lý thế nào khi phát hiện con nhìn bài bạn để đạt điểm cao !?

Dạy cho con có ý chí theo đuổi cái tốt và tránh xa cái xấu chứ

Một số trẻ được thưởng khi đạt điểm tốt sẽ bắt đầu có suy nghĩ mình được điểm cao để được thưởng tiền hay món quà mà không cần nghĩ học là để cho bản thân mình.

Bố mẹ cần giúp con phát triển kỹ năng học tập để thành công bây giờ và sau này. Cần dạy cho con có ý chí theo đuổi cái tốt và tránh xa cái xấu chứ không phải theo đuổi thành tích mà bất chấp nhìn liếc bài bạn.

Giải thích cho trẻ hiểu bị điểm xấu mà thật thà còn hơn đạt điểm cao mà gian dối.

Vì sức ép từ gia đình có thể khiến con nói dối, nên hãy khen ngợi những nỗ lực của con thay vì chỉ để ý đến kết quả học tập. Bố mẹ cũng nên trấn an con rằng việc con cố gắng hết sức trong học tập quan trọng hơn nhiều so với điểm số cao.

Cũng nên giải thích cho trẻ rằng bị điểm xấu mà thật thà còn hơn đạt điểm cao mà gian dối. Việc để con biết rằng bạn không đòi hỏi sự hoàn hảo sẽ làm giảm nỗi lo sợ của con và khiến trẻ dễ dàng làm điều đúng đắn hơn.

Tạo cho con môi trường học thật thoải mái

Bị áp lực phải đạt điểm cao cũng là một nguyên nhân khiến con sợ hãi mà dẫn tới hành vi gian dối như nhìn liếc bài bạn để đạt mục đích, khỏi bị trách mắng.

Bố mẹ hãy tạo cho con môi trường học thật thoải mái, hãy cùng con định hướng bản thân, xác định đâu là giới hạn cho con mình, phát triển hết tiềm năng học hỏi của con. Nếu con cảm thấy quá sức, căng thẳng, bố mẹ cần cho con được thư giãn, giải trí, cắt giảm việc học thêm của con.

Nhấn mạnh vào sự chăm chỉ và cố gắng, hơn là kết quả.

Nhắc con trong lớp chú ý nghe giảng, tập trung cao độ vào lời giảng của thầy cô. Nếu không hiểu thì có thể giơ tay xin thầy cô giảng lại chỗ nào con chưa hiểu để hiểu bài kỹ hơn. Nên chấp nhận khả năng thật của con và tạo điều kiện cho con phát triển. Nếu con đạt điểm tốt, hãy nhấn mạnh vào sự chăm chỉ và cố gắng, hơn là kết quả.

Còn nếu con không đạt kết quả tốt, hãy động viên con tiếp tục cố gắng và nhắc nhở con rằng sự kiên trì sẽ mang lại kết quả như con mong muốn chứ không phải thành tích là đi vay mượn kiến thức của bạn.

Nếu con tỏ ra có năng khiếu nào đó, như về hội họa hoặc thể thao, hãy tạo cơ hội để con có thể phát triển năng lực của mình. Tuy nhiên cũng không nên bắt ép mà hãy động viên con thật nhiều. Việc được tham gia các hoạt động cũng giúp con thoải mái tinh thần, học giỏi hơn.

Theo Emdep.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ