Đừng tra hỏi trẻ liên tục
Ở góc độ là một chuyên gia tâm lý, TS Tâm lý Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, việc hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân và gia đình rất quan trọng, nhất là vai trò của cha mẹ ngay khi phát hiện ra con em mình bị xâm hại. Việc đầu tiên phải làm là hỗ trợ tâm lý để con ổn định về tinh thần sau đó mới hỏi những điều còn lại.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Thị Thúy, vấn đề này phụ huynh có phần chủ quan, bởi khi nghe con kể về sự việc thường rất nổi giận, đã tra hỏi trẻ liên tục… Điều này cũng rất dễ hiểu bởi khi đó nỗi đau của người mẹ, người cha quá lớn và bắt đứa trẻ mô tả, kể kĩ, tra hỏi… càng làm trẻ khủng hoảng thêm. Vì vậy, hãy quan tâm tới tâm lý trẻ đầu tiên, để trẻ ổn định.
Gần đây, nhiều hình ảnh về trẻ, thông tin trẻ bị xâm hại… bị đưa lên quá nhiều, quá kĩ... vô tình khoét quá sâu, làm cho trẻ bị di chấn nhiều hơn. Vì thế, xã hội cần chung tay bảo vệ sự an toàn, bình yên trong tâm hồn trẻ trước khi nói về yếu tố luật pháp.
Thêm vào đó, có thể thấy phụ huynh bây giờ quan tâm nhiều quá đến ai là kẻ ác, nguy cơ xâm hại, dấu hiệu… nhưng từ sự bất an có thể phụ huynh đã vô tình gieo vào đầu con trẻ những lo lắng không đáng có. Một đứa trẻ đang rất bình thường, bình yên vui vẻ, học tập bình thường bị cha mẹ “nhồi” vào quá nhiều tự nhiên có trạng thái, nghi ngờ xã hội, những người xung quanh. Đây là điều không tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ.
Thay vì lo lắng, bất an, chửi bới, thay vì bất mãn, chuyên gia khuyên phụ huynh quan tâm giáo dục cho con càng sớm càng tốt qua những trò chơi, câu chuyện nhẹ nhàng, thú vị, lời dạy nhẹ nhàng liên quan đến kỹ năng sống, giới tính, cụ thể như cách trẻ cư xử nói năng, cách ăn mặc kín đáo…; dành thời gian nói chuyện với con mỗi ngày, ăn tối với con, quan sát con trước khi đi ngủ, chia sẻ nhiều hơn với con, cha mẹ sẽ thấy con có điều gì bất an không.
Bên cạnh đó, mỗi cơ quan chức năng, mỗi người có trách nhiệm, toàn thể xã hội phải chung tay để chấm dứt nạn xâm hại tình dục trẻ em, tạo môi trường sống an lành cho trẻ. Và đừng gieo những lo lắng đó sang con trẻ, hãy để các em yên tâm học tập, vui vẻ chơi đùa và được giáo dục đúng cách với kỹ năng cần thiết.
Không dắt con đến gặp nghi phạm để đối chất
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đào Thị Bích Liên - Chi hội Phó Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - với kinh nghiệm tham gia gia bào chữa cho nhiều trẻ bị xâm hại cho rằng, vai trò của người mẹ là rất quan trọng. Trước hết khi bé kể cho mẹ nghe, người mẹ phải giữ bình tĩnh nhưng cũng cần có sự mạnh mẽ đấu tranh.
Khi phát hiện và nghe bé nói, người mẹ phải ôm con vào lòng, nghe con tâm sự từ từ một cách nhẹ nhàng, thân thiện, không nên nóng giận, không dắt con đến gặp nghi phạm để đối chất…vì điều này sẽ làm nỗi đau của trẻ chồng lên nỗi đau và chắc chắn kẻ xấu đó sẽ chối. Và đứa trẻ đối diện với người đó sẽ sợ hãi hơn.
Về góc độ luật sư, đối với việc thu thập chứng cứ để tố cáo tội phạm xâm hại, luật sư Bích Liên chia sẻ thêm: Khi nghe con kể lần đầu, mình có thể cầm máy điện thoại ghi âm vì lời kể lần đầu của con rất quan trọng. Bởi ở những lần sau trẻ có thể nói khác đi do bị tâm lý, do bị tác động, bị hỏi quá nhiều và mình cũng không thể trách cứ trẻ.
Bất cứ nào vụ xâm hại nào, đứa trẻ hoàn toàn không có lỗi. Ngoài ra cần chụp lại hình ảnh trên thân thể bé ra sao bị trầy xước…, và các chứng cứ, quần con đang mặc cũng phải lưu lại và tuyệt đối không tắm rửa cho cháu ở thời điểm đó.
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, không tắm cho con và ngay lập tức làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an cho đi trưng cầu giám định pháp ý, song song đó là đưa lên trạm y tế, bệnh viên thăm khám cho cháu có bị tổn hại không.