Phát hiện cá mập dương tính với cocaine

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về cocaine trong cá mập mũi nhọn Brazil. Nguyên nhân đến từ lỗ hổng trong xử lý nước thải của con người.

Cocaine được tìm thấy trong cơ thể cá mập Brazil.
Cocaine được tìm thấy trong cơ thể cá mập Brazil.

Tiềm tàng nguy hiểm

Theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Science of the Total Environment, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của cocaine trong cơ thể cá mập mũi nhọn sống ở vùng ven biển Brazil (Rhizoprianodon lalandii). Đây là phát hiện đầu tiên về cocaine trong cá mập.

Enrico Mendes Saggioro - nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Xúc tiến và Đánh giá Sức khoẻ Môi trường thuộc Viện Oswaldo Cruz, Brazil, cùng các đồng nghiệp đã mổ 13 con cá mập mũi nhọn do ngư dân đánh bắt ngoài khơi bờ biển bang Rio De Janeiro từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2023.

Họ chọn loài vật này vì chúng sống ở ven biển nên có nhiều khả năng tiếp xúc với chất ô nhiễm từ con người. Mỗi con cá mập đều được cân và đo chiều dài trước khi lấy mẫu cơ và gan để xét nghiệm.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy cocaine và benzoylecgonine, một chất chuyển hoá được tạo ra khi cocaine bị phân huỷ trong cơ thể, trong mô cơ và gan của 13 con cá. Trong đó, lượng cocaine trong cơ thể các con cá mập cao hơn khoảng 3 lần so với benzoylecgonine. Điều này đồng nghĩa cocaine hầu như không được chuyển hoá trong cơ thể con người hoặc các sinh vật khác. Thay vào đó, hoá chất này có thể đã được đổ trực tiếp xuống nước.

Các nhà khoa học đặt ra 2 giả thuyết về cách cocaine xâm nhập vào cơ thể cá mập. Một là từ cơ thể người sử dụng ma tuý. Hai là từ những nơi bí mật điều chế cocaine thải ra cocaine nguyên chất. Cả hai dạng chất thải này đều đi theo các ống dẫn nước thải dọc theo kênh đào Sernambetiba và đổ ra biển từ Recreio dos Bandeirantes.

Vì cá mập mũi nhọn sống ở vùng ven biển nên chúng dễ bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm này cũng như các loại ô nhiễm đô thị khác. Đáng chú ý, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đưa cá mập mũi nhọn Brazil vào danh sách các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng, một phần do tình trạng đánh bắt quá mức.

GS Daniel D. Snow - Giám đốc phòng thí nghiệm tại Trumg tâm Nước Nebraska, người đã nghiên cứu về sự tồn tại của steroid trong sông, đặt ra giả thuyết cá mập không chuyển hoá cocaine nhanh như con người.

Do đó, khi hợp chất này ngấm lâu trong cơ thể cá mập sẽ gây rối loạn hệ thống nội tiết và ảnh hưởng đến quá trình điều hoà hormone của chúng. Theo chuyên gia này, bất kỳ hoá chất sinh học nào cũng có thể gây căng thẳng, từ đó khiến số lượng cá vốn đã suy giảm càng dễ dàng mắc bệnh hơn.

Còn GS Anna Capaldo - chuyên gia giải phẫu tại Đại học Naples Federico II, Italy, người đã nghiên cứu tác động của cocaine đối với lươn thuỷ tinh (còn gọi là lươn châu Âu), khẳng định đây là bằng chứng cho thấy nguy cơ ngày càng tăng của ô nhiễm cocaine. Nghiên cứu của bà Anna chỉ ra lươn tiếp xúc với cocaine bị sưng cơ, rối loạn hormone, từ đó dẫn đến căng thẳng cao hơn bình thường.

phat hien ca map duong tinh voi cocain (2).jpeg
Việc xả thải không an toàn gây nguy hiểm đến sinh vật biển.

Đe dọa đến sức khoẻ

Từ câu chuyện của cá mập mũi nhọn Brazil, các chuyên gia lo ngại cá mập ở Florida nói riêng và những vùng biển thường xuyên diễn ra giao thương ma tuý bất hợp pháp có nguy cơ cao nhiễm cocaine.

Đơn cử, các nhóm buôn lậu thường vận chuyển ma tuý bằng đường biển vào Mỹ qua bờ biển Flordia. Các kiện cocaine có thể bị rơi xuống nước trong quá trình vận chuyển, làm ảnh hưởng đến sinh vật biển trong khu vực.

GS Snow nhận định việc kiểm soát hoạt động xả thải cocaine, thậm chí cả thuốc và ma tuý hợp pháp, vào đại dương là rất khó khăn. Có biện pháp xử lý nước thải để không đổ bất kỳ hoá chất nào vào nước nhưng chi phí cho hoạt động trên rất tốn kém.

Vậy nên, các nhà nghiên cứu kêu gọi cơ quan quản lý Brazil theo dõi và tìm cách giảm thiểu hoạt động thải cocaine ra biển. Nếu không đây sẽ là vấn đề môi trường cấp bách trong thời gian tới.

Trước đó, vào tháng 6/2024, các nhà nghiên cứu tại Đại học Portsmouth và Đại học Brunel London đã tìm thấy cocaine, thuốc lắc trong sinh vật biển ở vùng nước ven biển quanh Vương quốc Anh. Các sinh vật biển như cua, hàu, rong biển... đều bị nhiễm các chất ma tuý này.

Các nhà khoa học cho rằng vùng biển bị nhiễm các chất độc một phần do hoạt động xả thải không đúng quy định. Trong điều kiện mưa lớn, hệ thống chứa nước thải của con người sẽ bị tràn nên các nhà máy nước được phép xả nước thải thô ra sông.

Tuy nhiên, các nhà máy có thể làm trái quy định và xả nước thải thô ngay cả trong điều kiện thời tiết khô ráo, không có mưa. Các thành phần thuốc, ma tuý đã theo nước thải của người sử dụng trôi ra sông.

Theo thống kê của Cơ quan Môi trường Vương quốc Anh, lượng nước thải thô từ nhà máy nước xả thẳng ra sông và biển vào năm 2023 đã tăng gấp đôi so với năm 2022, đạt kỷ lục 3,6 triệu giờ.

Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh vật sông, biển. Đơn cử, các sinh vật sống tại khu vực cảng Langstone, Anh, đều cho kết quả dương tính với ma tuý và có những hành vi bất thường.

Brazil là một trong những thị trường tiêu thụ cocaine trọng tâm ở Nam Mỹ. Ước tính khoảng 1,5 triệu người Brazil sử dụng cocain, chiếm gần 8% tổng số người nghiện chất ma tuý này trên toàn thế giới. Cá mập mũi nhọn có thể hấp thụ cocaine trực tiếp qua mang hoặc ăn những con mồi nhỏ có chứa chất này. Theo các tác giả nghiên cứu, sự tích tụ sinh học thông qua chuỗi thức ăn có thể giải thích tại sao cá mập có mức cocaine cao hơn các sinh vật thuỷ sinh khác trong các nghiên cứu trước đây.

Theo NG, BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.