Phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022

GD&TĐ - Sáng 1/10, tại Đền Hùng - Phú Thọ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Lễ phát động. Ảnh Ngô Chuyên
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Lễ phát động. Ảnh Ngô Chuyên

Giáo dục cho mọi người

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Để phát triển nền giáo dục hiện tại và trong tương lai, xây dựng xã hội học tập là nền tảng, cốt lõi. Trong đó, học tập suốt đời vừa là phương châm, giải pháp, mục tiêu của sự nghiệp giáo dục. Vì thế, xây dựng xã hội học tập tạo cơ hội học tập suốt đời đang là xu thế tất yếu; mục tiêu mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: từ xa xưa, dân tộc ta luôn coi trọng việc học, coi học tập thường xuyên, suốt đời là nền tảng cho sự phát triển bền vững, nguồn gốc của mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập luôn là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm kể từ khi nước ta giành độc lập tới nay.

Tại Việt Nam, ngày 2/10/2011, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời lần đầu tiên được tổ chức và phát động với chủ “Học tập suốt đời - Chìa khóa của mọi thành công”.

Trong các văn kiện từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng nhất quán chủ trương thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi người đều có thể được học tập suốt đời.

Chủ trương trên của Đảng xác lập một quan niệm rõ ràng về xã hội học tập với tư cách là một thể thống nhất giữa hệ thống giáo dục ban đầu (bao gồm trường, lớp và cơ sở giáo dục chính quy từ nhà trẻ, mẫu giáo đến đại học) và hệ thống giáo dục tiếp tục (với nhiều hình thức giáo dục chính quy và không chính quy tại các cơ sở đào tạo tại chức, cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, đào tạo và đào tạo lại qua các khóa học, lớp học ngắn hạn...).

Quang cảnh buổi lễ phát động. Ảnh Ngô Chuyên

Quang cảnh buổi lễ phát động. Ảnh Ngô Chuyên

Tiếp theo các Đề án xây dựng xã hội học tập được phê duyệt năm 2005, 2012, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập tại nước ta.

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Chuyển đổi số trong giáo dục là việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến giúp nâng cao trải nghiệm của người học; cải thiện những phương pháp giảng dạy cũng như tạo môi trường để học tập thuận tiện nhất.

“Lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022” với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch Covid -19” nhằm đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy học tập suốt đời.

Trao tặng tủ sách cho tỉnh Phú Thọ.

Trao tặng tủ sách cho tỉnh Phú Thọ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT mong muốn và tin tưởng rằng với sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội không chỉ trong tuần lễ phát động này mà cả những thời gian sau đó, sẽ tạo sự chuyển biến sâu sắc trong đời sống nhân dân, tạo được phong trào toàn dân học tập suốt đời.

Đặc biệt là tận dụng các nền tảng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa các kênh học tập và công cụ, thúc đẩy học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong bối cảnh sau đại dịch Covid -19. Với tinh thần đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã tuyên bố phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022” tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bà Nguyễn Thị Kim Hải phát biểu tại Lễ phát động.

Bà Nguyễn Thị Kim Hải phát biểu tại Lễ phát động.

Nâng cao nhận thức vai trò của chuyển đổi số

Cũng tại buổi lễ này, bà Nguyễn Thị Kim Hải – Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Phú Thọ, Phó chủ tịch Qũy khuyến học Đất Tổ cho biết: “Khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời hôm nay là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời trong mỗi công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, toàn xã hội về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời; Hướng tới hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm 2022 với chủ đề 'Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân'.

Đồng thời tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ để đa dạng hóa các kênh và công cụ học tập tạo cơ hội cho người dân ở mọi lứa tuổi tiếp tục trau dồi kiến thức cần thiết”.

Bà Hải cũng nói thêm, đã trở thành sự kiện thường niên, vào đúng dịp kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam (2/10), Chương trình 'Chắp cánh ước mơ – vinh danh khuyến học, khuyến tài Đất Tổ' được tổ chức nhằm tiếp tục lan tỏa phong trào thi đua khuyến học và kết nối yêu thương khuyến học, khuyến tài vì ngày mai tươi sáng cho các em học sinh, sinh viên, vận động viên, các thầy giáo, cô giáo có thành tích xuất sắc trong học tập, giảng dạy, rèn luyện.

Những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó đến trường vươn lên học khá, giỏi, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phong trào học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân...

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung vào các vấn đề sau:

1. Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử của đơn vị, tổ chức liên quan, các trang mạng xã hội về tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số trong việc cung ứng cơ hội HTSĐ cho mọi người.

2. Các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động dạy, học và các hoạt động thư viện; tổ chức các lớp, khoá học trực tuyến miễn phí/phí thấp cho trẻ em và người lớn...

3. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ: phối hợp, đồng hành, tài trợ cho các tổ chức, cơ sở giáo dục triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên mạng Internet một cách an toàn, hiệu quả cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, cán bộ công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn.

4. Các Đại học, Học viện, Trường Đại học, Trường Cao đẳng sư phạm cung cấp các nguồn tài nguyên học liệu mở (sách, báo, học liệu, bài giảng điện tử, khóa học mở, ...), liên thông, liên kết với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

5. Các cơ quan báo hình, báo điện tử tổ chức các sân chơi, diễn đàn, cuộc thi có chủ đề về cộng đồng số, công dân số, giúp học sinh, sinh viên và người dân tìm hiểu về các kỹ năng và năng lực thiết yếu của công dân trong thời đại số và toàn cầu hoá; khuyến khích người dân và các cộng đồng tích cực tham gia, tự đọc, ghi âm, ghi hình đóng góp, chia sẻ, dự thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.