Phát động cuộc thi 'Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc VN'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023 được phát động vào chiều 04/8 tại Hà Nội.

Các đại biểu dự Lễ phát động cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023.
Các đại biểu dự Lễ phát động cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” năm 2023.

Cuộc thi do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thực hiện.

Dự buổi lễ có ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc; ông Lê Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ); ông Lê Thanh Bài, Trưởng phòng Phòng Lịch sử tư tưởng – Tổ chức quân sự (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam); Thiếu tướng, tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an nhân dân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân; ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo); nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; nhà báo Dương Thị Thanh Hương - Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; nhà báo Nguyễn Đức Tuân - Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại.

Cùng dự còn có đại diện Cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo một số Sở GD&ĐT cùng các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và TP Hà Nội.

Quang cảnh Lễ phát động cuộc thi.

Quang cảnh Lễ phát động cuộc thi.

Cuộc thi là hoạt động trong Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc,… các tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ hiện nay cho các đối tượng giáo viên, học sinh, sinh viên.

Chủ động tuyên truyền, thông tin rộng rãi, kịp thời về giá trị đạo đức, nhân cách con người Việt Nam cho học sinh, sinh viên; những gương mặt tiêu biểu của học sinh, sinh viên, giáo viên dân tộc thiểu số, những mô hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Phổ biến, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên kiến thức pháp luật và giá trị tích cực về tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu khai mạc Cuộc thi.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu khai mạc Cuộc thi.

Phát biểu khai mạc, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cho biết, Cuộc thi nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước đó (năm 2022) - năm đầu tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực từ đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên và các tầng lớp nhân dân khắp các vùng miền trong cả nước. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 20.000 tác phẩm tham dự cùng với sự đầu tư hết sức công phu và tỉ mỉ của các tác giả. Có những tác phẩm được đóng thành sách với độ dày gần 300 trang cùng khối lượng thông tin đồ sộ, những clip, hình ảnh minh họa phong phú, sinh động. Ban Giám khảo đã làm việc vô cùng vất vả và công tâm để đánh giá, lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất.

"Lịch sử vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ tất cả các tầng lớp nhân dân. Cuộc thi góp phần đưa thêm những kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hóa dân tộc, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam", nhà báo Triệu Ngọc Lâm nhấn mạnh.

Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc

Công bố thể lệ cuộc thi, nhà báo Dương Thị Thanh Hương, phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Đối tượng tham gia Cuộc thi là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục; học sinh, sinh viên đã và đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc; các bậc phụ huynh học sinh, những người quan tâm tới Cuộc thi.

Nhà báo Dương Thị Thanh Hương, Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại công bố Thể lệ cuộc thi.

Nhà báo Dương Thị Thanh Hương, Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại công bố Thể lệ cuộc thi.

Tác phẩm dự thi tập trung vào các nội dung: Những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc; Các tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ hiện nay.

Nội dung bài viết cũng tập trung tuyên truyền về lịch sử, truyền thống yêu nước, đạo đức lối sống của thanh thiếu niên trong thời đại xã hội chủ nghĩa, nét đẹp trong phong cách sống và rèn luyện ý chí theo các bậc tiền nhân về các quy tắc ứng xử, các đường lối tư duy thanh tao, tốt đẹp… Những gương mặt tiêu biểu của học sinh, sinh viên, giáo viên dân tộc thiểu số, tôn giáo, những mô hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Các tác phẩm dự thi phải viết bằng tiếng Việt, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (chấp nhận các hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có); có thể viết tay hoặc đánh máy, trình bày rõ ràng trên một mặt giấy khổ A4; nếu đánh máy trình bày bằng cỡ chữ 14, font chữ Time NewRoman. Ngoài ra kèm theo thông tin về tác giả (Họ và tên, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại) ghi rõ trên trang đầu tiên của tác phẩm dự thi.

Ban tổ chức quy định, tác phẩm dự thi chưa đăng tải trên sách báo, chưa công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào hoặc gửi dự thi ở các cuộc thi khác do Bộ, Ngành trung ương tổ chức tính từ ngày gửi đến Ban Tổ chức. Tác giả dự thi phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nội dung bài dự thi của mình.

Đa dạng văn hoá ở Việt Nam là sự hợp thành của 54 dân tộc

Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc.

Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc.

Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, nhìn nhận, Việt Nam là quốc gia có hàng ngàn năm văn hiến. Cộng đồng quốc gia được hình thành và phát triển mang tính đặc thù riêng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trải qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử, sức mạnh, vị thế của dân tộc Việt Nam là sự kết tinh của truyền thống đoàn kết, yêu nước, cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo, nhân nghĩa. Chủ nhân của các giá trị lịch sử, văn hoá vô giá đó là cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

“Vì vậy, việc nhận thức đúng đắn về cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường lòng tự hào, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Uỷ ban Dân tộc nhấn mạnh.

Theo ông Đinh Xuân Thắng, văn hóa các dân tộc Việt Nam là sự hợp thành của văn hóa 54 thành phần dân tộc tạo nên trên nền tảng kế thừa, phát huy tinh hoa của các thế hệ trước. Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa mang tính thống nhất chung cơ bản của văn hoá quốc gia vừa phản ánh tính đa dạng mang sắc thái văn hoá địa phương, vùng miền…

Bên cạnh đó, quá trình hình thành và phát triển lâu dài từ một nền văn hoá tại chỗ với những giá trị của nền văn minh nông nghiệp, kỹ thuật thủ công, văn hoá dân gian…vận hành và đứng vững trên nền tảng của mình trong sự giao thoa, tiếp biến với các nền văn hoá khác.

Một trong những giá trị thể hiện sự phong phú của đời sống văn hoá tâm linh trong văn hoá dân tộc Việt Nam, ông Đinh Xuân Thắng, cho biết, ở nước ta, phần lớn các thành phần dân tộc đều có đời sống tín ngưỡng phong phú, đa dạng; một số có những tôn giáo khác nhau.

Tín ngưỡng dân gian là một bộ phận tất yếu, hình thành và đồng hành cùng cộng đồng các thành phần dân tộc trong đời sống. Đó không chỉ là nhu cầu về văn hoá, đời sống tâm linh mà còn là giá trị quan trọng chi phối đời sống kinh tế, ứng xử và quan hệ con người đối với thế giới tự nhiên và xã hội.

TS. Lê Trung Kiên - Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ.

TS. Lê Trung Kiên - Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Phát biểu tại lễ phát động, TS. Lê Trung Kiên - Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ, thành viên Tổ công tác liên ngành chỉ đạo triển khai Đề án 219 Hỗ trợ thông tin truyên truyền về dân tộc tôn giáo cho biết, nhiệm vụ hiện nay là hỗ trợ và trực tiếp thực hiện công tác tuyên tuyền về tôn giáo. Tập trung tuyên truyền về giá trị tôn giáo trong đời sống xã hội.

Cụ thể, tôn giáo là nơi lưu trữ, bảo lưu, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống. Văn hóa tôn giáo góp phần hình thành và phong phú văn hóa xã hội. Đạo đức tôn giáo có vai trò tạo lập nền tảng đạo đức xã hội. Trong khi đó, nguồn lực tôn giáo tham gia xây dựng, phát triển đất nước. Hoạt động xã hội tôn giáo thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, từ thiện, giáo dục, chăm sóc sức khỏe người già, bảo trợ trẻ em… Nguồn nhân lực tôn giáo là một phần trong nguồn nhân lực xã hội. Đối ngoại tôn giáo thúc đẩy ngoại giao nhân dân, tập hợp, đoàn kết hướng về Tổ quốc.

Cũng theo TS Lê Trung Kiên, về hướng triển khai, cần khai thác các đề tài có tính thực tiễn, giá trị xã hội, tính lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Nên đi từ chính sách, pháp luật đến thực tiễn hoạt động tôn giáo. Nên tìm hiểu từ giáo lý kinh điển tôn giáo đến việc áp dụng, ứng dụng trong đời sống tu tập, hành đạo và hoạt động xã hội của tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Cuộc thi cần tạo sự thu hút, hấp dẫn tự nhiên về văn hoá

Thiếu tướng, tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử công an nhân dân, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Công an nhân dân.

Thiếu tướng, tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử công an nhân dân, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Công an nhân dân.

Thiếu tướng, tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử công an nhân dân, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Công an nhân dân, đánh giá năm 2022 cuộc thi mới được tổ chức lần đầu nhưng đã thành công tốt đẹp.

Cuộc thi không chỉ hưởng ứng một đề án thời sự hay một thông tư có tính chất chỉ đạo. Cuộc thi cần trở thành sân chơi lý thú, hấp dẫn tự nhiên về văn hoá cho nhiều người, cho mọi lứa tuổi, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học…

“Ban tổ chức nên có những giải pháp hỗ trợ, định hướng về tri thức chuẩn cho những người tham gia dự thi. Hoặc có thể giới thiệu những cuốn sách hấp dẫn để người đọc tìm kiếm kiến thức phục vụ cho bài thi của mình và kiến thức về lịch sử”, Thiếu thướng Nguyễn Hồng Thái nhận xét.

Em Nguyễn Đức Anh, học sinh Trường THPT Kim Liên (TP Hà Nội).

Em Nguyễn Đức Anh, học sinh Trường THPT Kim Liên (TP Hà Nội).

Bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được phát biểu hưởng ứng cuộc thi, em Nguyễn Đức Anh, học sinh Trường THPT Kim Liên (TP Hà Nội) cho biết, cuộc thi sẽ giúp ích rất nhiều cho cá nhân và các bạn học sinh nói chung được khơi dậy niềm đam mê tìm kiếm, nghiên cứu lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, thêm hiểu, thấm nhuần lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Là thế hệ tiếp nối, Nguyễn Đức Anh chia sẻ, nhận thấy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm công dân với việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc, biết ơn những thế hệ đi trước, giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc.

"Trong quá trình hội nhập, chúng em nhận ra rằng thế hệ trẻ chúng em hôm nay cần rèn luyện kỹ năng, trang bị kiến thức nhằm nâng cao khả năng hội nhập quốc tế. Chúng em hội nhập nhưng không hòa tan, không làm mất bản sắc văn hóa dân tộc của ông cha trong mấy nghìn năm lịch sử…”, Nguyễn Đức Anh bày tỏ.

Cơ cấu và giá trị giải thưởng Cuộc thi:

Giải tập thể, có 2 giải thưởng sẽ được trao cho các tập thể có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt (Giấy chứng nhận do Báo Giáo dục và Thời đại cấp và 5.000.000 đồng tiền thưởng).

Giải cá nhân nhận Giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại cấp và giá trị giải thưởng như sau:

- 1 giải Nhất: 15.000.000 đồng;

- 2 giải Nhì: 10.000.000 đồng/giải;

- 3 giải Ba: 8.000.000 đồng/giải;

- Giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải;

- Giải thưởng phụ (2 giải dành cho cá nhân): 3.000.000 đồng/giải.

Cuộc thi không hạn chế số lượng tác phẩm dự thi của mỗi tác giả.

Thời hạn nhận tác phẩm dự thi: từ ngày phát động cuộc thi cho đến hết ngày 15/10/2023.

Tác giả gửi tác phẩm dự thi qua thư điện tử: cuocthilichsu.gdtd@gmail.com Các quy định cụ thể về bài dự thi được đăng tải trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử, tại địa chỉ http://giaoducthoidai.vn

Kết quả cuộc thi sẽ được thông báo đến tác giả và đăng tải trên Báo Giáo dục và Thời đại, trên Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ