Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực. Đây là hoạt động nằm trong Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo của Thủ tướng Chính phủ.
Văn nghệ chào mừng. |
Dự lễ trao giải có nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban tổ chức; Thiếu tướng, TS, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử công an nhân dân, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Công an nhân dân; bà Nguyễn Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo trung ương; bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT; ông Phạm Quỳnh – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; ông Lê Thanh Bài – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Cùng dự còn có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập báo Giáo dục và Thời đại phát biểu tại buổi lễ. |
Góp phần đưa lịch sử Việt Nam đến gần hơn với quốc tế
Cuộc thi phát động từ tháng 5/2022, sau 7 tháng, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 20.000 tác phẩm. Với 123 tác phẩm vào vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã quyết định công nhận trao giải cho 12 tác phẩm xuất sắc và 02 tập thể, trong đó có 01 tác phẩm đoạt giải Nhất; 02 tác phẩm giải Nhì; 03 tác phẩm giải Ba; 06 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích và 02 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng tốt.
Báo cáo tổng kết cuộc thi, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban tổ chức, cho biết: Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lịch sử dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu quê hương đất nước,… các tấm gương tiêu biểu trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hiện nay cho các giáo viên, sinh viên và học sinh cả nước.
Cuộc thi cũng là kênh tuyên truyền rộng rãi về các giá trị đạo đức, nhân cách con người Việt Nam cho thế hệ trẻ. Biểu dương những gương mặt tiêu biểu của học sinh, sinh viên, giáo viên trong học tập, vượt khó vươn lên đặc biệt là những tấm gương các đồng bào dân tộc thiểu số. Những mô hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường, giữ gìn những nét bản sắc văn hóa dân tộc được mọi tầng lớp nhân dân biết đến, học hỏi và phát huy. Giúp học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về pháp luật, hiểu được giá trị tích cực, nhân văn về tín ngưỡng, tôn giáo.
Từ số lượng tác phẩm dự thi, ông Triệu Ngọc Lâm nhận định cuộc thi đã lan tỏa cũng như tạo sức hút, quan tâm của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đến với lịch sử nước nhà, nâng cao niềm tự hào dân tộc.
Văn nghệ chào mừng. |
Ở một số địa phương, cơ sở giáo dục đã tổ chức chấm và chọn những tác phẩm chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều Sở GD&ĐT tham gia với đông đủ bài thi của giáo viên và học sinh trong toàn Ngành. Tiêu biểu là các Sở GD&ĐT: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bình Dương, Cần Thơ…
Tổng Biên tập Triệu Ngọc Lâm đánh giá phần lớn các tác phẩm viết về chủ đề lịch sử dân tộc và tinh thần yêu nước. Mỗi tác giả có một cách tiếp cận và cảm nhận khác nhau về đề tài mình lựa chọn. Các tác giả không chỉ dày công nghiên cứu, đầu tư vào nội dung tác phẩm mà còn sáng tạo trình bày theo những cách thức mới mẻ, lồng ghép hình ảnh và clip công phu, sinh động. Có tác phẩm còn được phiên dịch sang tiếng Anh.
"Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần đưa lịch sử Việt Nam đến gần hơn với quốc tế, để mọi người trên khắp các châu lục được biết đến có một Việt Nam anh hùng như thế", ông Triệu Ngọc Lâm bày tỏ.
Thiếu tướng, TS, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái phát biểu tại buổi lễ. |
Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát biểu tại lễ trao giải, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái gửi lời chúc mừng đến các tác giả đạt giải; đồng thời, bày tỏ ấn tượng trước số lượng, chất lượng của các bài dự thi. Nhiều tác phẩm dày, được viết tay mười mấy trang, thể hiện sự đầu tư công phu của các tác giả. Chưa kể, không chỉ giáo viên, học sinh mà còn các giáo sư, tiến sĩ, người dân cả nước gửi bài dự thi.
"Từ các bài dự thi, tôi học được thêm nhiều kiến thức về lịch sử, tôn giáo hay truyền thống dân tộc. Đó là những giá trị văn hóa lớn, góp phần xây dựng và phát triển đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôi tin rằng tinh thần của các bài thi sẽ lan tỏa trong toàn quốc và quốc tế", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam và ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, trao bằng khen cho tác giả đạt giải Khuyến khích. |
Thiếu tướng, TS, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái trao bằng khen cho tác giả đạt giải Ba. |
Bà Nguyễn Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo trung ương, trao bằng khen cho tác giả đạt giải Nhì. |
Là tác giả đạt giải Nhất tại cuộc thi, cô Nguyễn Thị Sang, giáo viên Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, bày tỏ cảm thấy bất ngờ xen lẫn xúc động khi hay tin giành giải.
Cô Sang bộc bạch: "Khi viết tác phẩm, bằng sự cố gắng cùng đam mê, lòng yêu nước, tôi đã biến ý tưởng thành tác phẩm hoàn chỉnh. Cuộc thi không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với tôi mà còn với các thành viên trong gia đình, những người đã hỗ trợ hết mình để tôi đạt được kết quả hôm nay".
Tác phẩm của cô Nguyễn Thị Sang có chủ đề "Tự hào Việt Nam". Tác phẩm gồm 5 chương: Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam; Những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ hiện nay; Phát huy, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay và Giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho học sinh Trường THCS Giấy Phong Châu.
Còn cô Nông Thị Hường, giáo viên Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, tác giả đạt giải Nhì, chia sẻ: “Tôi thực sự hạnh phúc khi vinh dự được nhận giải tại cuộc thi. Tác phẩm của tôi viết về câu lạc bộ Bjoóc Vẹn đã góp phần giữ lửa hát Then, đàn tính trên quê hương Văn Quan”.
Thông qua tác phẩm dự thi, cô Hường mong muốn góp phần lan tỏa tình yêu các nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương mình đặc biệt là hát Then, đàn tính của người dân tộc Tày, dân tộc Nùng ở Lạng Sơn.
Danh sách các tác phẩm đạt giải:
Giải Nhất
Tác phẩm: Tự hào Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Thị Sang, Giáo viên Trường Trung học cơ sở Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Giải Nhì
1. Tác phẩm: Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam
Nhóm tác giả: Nguyễn Phương Thúy, Lương Hoàng Quý, Lại Thị Thu Huyền, Nguyễn Thị Kim Dinh, Hoàng Thị Tuyết Trinh, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
2. Tác phẩm: Câu lạc bộ Bjoóc Vẹn – góp phần giữ lửa hát then, đàn tính trên quê hương Văn Quan
Tác giả: Nông Thị Hường, Giáo viên Trường THPT Lương Văn Tri, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Giải Ba
1. Tác phẩm: Chủ nghĩa yêu nước – Nội lực tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam
Tác giả: Phạm Thị Thu Phương, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
2. Tác phẩm: Một trí tuệ, một trái tim của một người thầy vùng cao
Tác giả: Phạm Hồng Phong, Giáo viên Trường THPT Lưu Nhân Chú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
3. Tác phẩm: Truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc
Tác giả: Học sinh Dương Thị Hồng Vân, lớp 12A1, Trường THPT Lạng Giang số 2, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Giải Khuyến khích
1. Tác phẩm: Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Thị Chuyền, Giáo viên Trường THCS thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
2. Tác phẩm: Tìm hiểu về truyền thống hơn 70 năm của Lực lượng vũ trang Thủ đô và những tấm gương người lính trong đời thường
Tác giả: Phạm Thị Hường, Giáo viên Trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
3. Tác phẩm: Hào quang kỵ sĩ
Tác giả: Nguyễn Thị Vinh, Giáo viên Trường Tiểu học Đông Hòa B, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
4. Tác phẩm: Có một Tiểu đội tự vệ như thế!
Tác giả: Hoàng Đại Giang, Giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
5. Tác phẩm: Làng nghề "Một thoáng Việt Nam"
Tác giả: Nguyễn Thị Ngân, Giáo viên Trường THPT Lý Thái Tổ, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương
6. Tác phẩm: Kênh Dớn hàng Gòn, xã Khánh Lâm trong những ngày tháng 9 năm 1969 đau thương
Tác giả: Trịnh Hà Giang, Giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Giải Tập thể
Tập thể có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt: Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên; Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn.