Xúc động tâm sự tác giả cuộc thi Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu!

GD&TĐ - Những tình cảm mà các cô giáo gửi gắm vào bài dự thi “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” đã khiến rất nhiều người xúc động khi đọc từng câu chữ, đơn giản, đối với họ, đó không chỉ là một cuộc thi, mà còn là nơi để trải lòng rồi trân quý nghề mà mình đã chọn – nghề giáo!

Cô giáo Lê Thị Thu – Giáo viên trường Tiểu học Xuân Tân (Nam Định) cùng các em học sinh.
Cô giáo Lê Thị Thu – Giáo viên trường Tiểu học Xuân Tân (Nam Định) cùng các em học sinh.

Về với mái trường đã từng dìu dắt!

Cô giáo Lê Thị Thu – Giáo viên trường Tiểu học Xuân Tân (Nam Định) đạt giải khuyến khích với tác phẩm “Cô thương em nhất”. Đó là câu chuyện dài về một học sinh đặc biệt mà suốt 9 năm gắn bó với nghề giáo, cô không thể nào quên được.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô Thu về công tác tại trường Tiểu học Xuân Tân (Xuân Trường, Nam Định) và gắn bó với các em học sinh từ những ngày đó, đến nay cũng đã 9 năm, hết khóa học sinh này đến khóa học sinh khác ra trường, cô vẫn miệt mài soạn giáo án. Đặc biệt, đây là ngôi trường mà trước đây chính cô được sự dìu dắt của các thầy cô giáo, giờ lại là đồng nghiệp.

Tình cờ, biết đến cuộc thi “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu”, cô Thu đã mạnh dạn tham dự. Đối với cô, đây không phải là một cuộc thi, mà đó là nơi cô được trải lòng về nghề, về tình cảm cô trò thiêng liêng, cao quý mà sâu sắc.

Khi biết tin mình đạt giải khuyến khích, cô Thu vô cùng xúc động, gọi điện đến Ban tổ chức với những tâm sự chất chứa: “Cuộc thi này là cuộc thi vô cùng ý nghĩa đối với giáo viên, học sinh. Chúng tôi cảm thấy được quan tâm, quý trọng và lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp đẽ. Có những khó khăn khiến không ít thầy cô từng ái ngại rằng không biết mình đã chọn đúng nghề chưa, thế nhưng, chỉ còn có tình yêu với các em, có trách nhiệm với thế hệ trẻ, chắc hẳn, các thầy cô sẽ vẫn tiếp tục cầm phấn với động lực lớn khi đang được đứng trên bục giảng bài cho các em”

Không ra Hà Nội để nhận giải vì lý do con còn nhỏ, mới sinh xong, cô Thu nhấn mạnh rằng, sẽ vẫn tiếp tục theo dõi chương trình, đọc báo Giáo dục và Thời đại để cập nhật nhiều thông tin và hoạt động của ngành, đó cũng chính là hơi thở của nghề giáo để thêm gắn bó về nghề mà mình lựa chọn.

Nhìn ánh mắt học trò, cô chẳng lỡ xa,…

Cô giáo Hà Thủy Lệ Ái (Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang) cũng là tác giả đạt giải khuyến khích với tác phẩm “Suối nguồn yêu thương”. Đó là cả câu chuyện về những ngày xa nhà để “cắm bản”.

Cô giáo Hà Thủy Lệ Ái (Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang)
Cô giáo Hà Thủy Lệ Ái (Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang)

Cô Ái sinh năm 1986 quê ở Bắc Kạn. Tốt nghiệp trường Cao đẳng SP Bắc Kạn, cô Ái được bạn rủ lên Hà Giang xin đi dạy cho đúng ngành nghề đào tạo. Nhiệt huyết của tuổi trẻ với mong muốn được cống hiến cho những học sinh vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiệt thòi, cô Ái quyết tâm xách va ly lên đường. Người thân khuyên ngăn vì xa xôi lại đầy rẫy khó khăn, có một mình biết nương tựa vào ai. Thế nhưng, lòng đã ước, chẳng chút băn khoăn, cô Ái đi với suy nghĩ được đóng góp công sức cho sự nghiệp giáo dục.

Những ngày đầu, chẳng thể tưởng tượng được Mèo Vạc lại khó khăn đến thế, chẳng có đường, chẳng có nước dùng, điều kiện kinh tế lẫn trình độ dân trí của dân còn thấp. Ấy vậy mà, chính cái khó đó lại khiến cô giáo trẻ sục sôi ý nghĩ, phải giúp trẻ em được đi học để thoát nghèo.

Con em đồng bào chủ yếu dân tộc Mông, cô giáo lại dân tộc Nùng, mỗi lần vào bản, đến từng nhà để vận động các cháu đến lớp, bà con chủ yếu chỉ nói tiếng Mông khiến cô không khỏi lúng túng. Thế rồi, dù là không hiểu tiếng nhau nhưng thấy cô giáo chân thành quá, lại cất công lặn lội gõ cửa từng nhà để các em được đi học, phụ huynh “đành chiều lòng cô”.

Rồi, cô cũng giúp bà con hiểu được lợi ích của việc đi học, từ những điều thực tế nhất như muốn đi làm, có bằng lái xe máy phải học hết lớp 9, bà con bảo: “Ừ, phải học hết lớp 9 mới thi bằng lái được, rồi mới đi làm kiếm ra tiền, thế nên, phải cho đi học thôi”, hay đơn giản việc đi chợ cần tính toán cho đúng, biết đọc chữ để hiểu về pháp luật, tránh bị lừa hoặc xúi giục, đơn giản cũng phải biết để đọc được hạn sử dụng.

Khó khăn rồi cũng qua đi, khi chính cô giáo trẻ ấy lại một lần quyết tâm gắn bó cả đời với mảnh đất này. Cô lập gia đình ở Hà Giang và thêm yêu những học sinh Mèo Vạc, quê hương thứ hai của cô và cũng là nơi sẽ sinh sống,…

10 năm gắn bó, chẳng thể kể hết những kỉ niệm, cô Ái chỉ tiếc không xuống Hà Nội nhận giải được vì mới vào đầu năm học, các trò không thể vắng cô. Nửa muốn xuống thăm thủ đô, để học hỏi và lắng nghe những câu chuyện của các thầy cô giáo khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng ánh mắt học trò, cô lại chẳng lỡ xa,…

“Cảm ơn Ban tổ chức đã có một cuộc thi ý nghĩa để chúng tôi được trải lòng chuyện đời, chuyện nghề,…Đây cũng chính là động lực để các thầy cô giáo thêm yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp trồng người và yêu cả từng khóa học trò lớn lên và cất cánh,….

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.