Cuộc thi là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/3/2017.
Phát biểu khai mạc lễ phát động cuộc thi, GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh: Sách ngoài việc cung cấp thông tin, cung cấp tri thức còn tạo ra nét đẹp về tâm hồn và nhân cách con người. Vì vậy duy trì văn hóa đọc, duy trì ngôn ngữ của mình là một điều hết sức quan trọng đối với xã hội.
GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu khai mạc lễ phát động cuộc thi. |
Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng số, văn hóa đọc không được như ngày xưa, chính vì vậy để khẳng định vai trò của sách, khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách đối với không chỉ riêng thế hệ trẻ, mà còn đối với cả nước, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2019.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn các bạn sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ nhiệt tình hưởng ứng và tham gia cuộc thi để phát huy văn hóa đọc trong sinh viên Bách Khoa Hà Nội nói riêng và học sinh sinh viên trên toàn quốc nói chung.
TS Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện chia sẻ tại lễ phát động. |
Chia sẻ tại lễ phát động, TS Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Việc đọc sách và ham đọc sách là truyền thống của người Việt Nam. Nó đã làm nên nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam.
Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao nội lực của người Việt Nam, đặc biệt là học sinh sinh viên trong việc tiếp cận với thông tin và tri thức, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Từ đó đến nay (15/3/2017), phong trào đọc cả nước đặc biệt là trong khối nhà trường cũng đã được khơi dậy, phát triển và lan tỏa.
TS Vũ Dương Thúy Ngà cũng mong muốn, các em sinh viên tích cực tham gia cuộc thi này, để nhìn lại sách đã có tác dụng như thế nào đối với chính mình, sách làm thay đổi cuộc sống của con người ra làm sao.
"Thông qua cuộc thi này, chúng ta sẽ vun đắp được tình yêu đọc sách, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, biện pháp và những hồi ức về những cuốn sách hay đã làm thay đổi cuộc sống, làm thay đổi nhận thức của chúng ta", TS. Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thư viện Tạ Quang Bửu đã tặng những món quà nhỏ cho một số bạn sinh viên đã tích cực chăm chỉ thường xuyên đến thư viện để đọc sách và học tập.
Thể lệ cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019"
Đối tượng dự thi là sinh viên đang theo học tại các trường đại học/học viện trên cả nước.
Thí sinh tham gia Cuộc thi có thể chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1
Câu 1: Chia sẻ về một cuốn sách mà em yêu thích, một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của em.
Câu 2: Nếu được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc, có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn?
Đề 2:
Câu 1: Chia sẻ về phương pháp đọc sách hiệu quả và tác động của phương pháp đọc đó đối với học tập, phát triển kiến thức, kỹ năng của bản thân.
Câu 2: Nếu được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc, có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn?
Thí sinh dự thi bằng cách gửi các bài dự thi độc lập. Bài viết này sẽ được gửi trực tiếp về Thư viện Tạ Quang Bửu từ ngày 21/2 đến ngày 10/3/2019. Theo địa chỉ phòng 220 tòa nhà Thư viện điện tử hoặc gửi mail theo địa chỉ tvtqb@hus.edu.vn.
Thư viện sẽ tổ chức chấm lựa chọn 20 bài xuất sắc gửi về Vụ Thư viện để tham gia vòng chung kết. Ban tổ chức sẽ tổng kết, công bố danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019 và trao thưởng cho các cá nhân tại Hà Nội dự kiến vào trung tuần tháng 4 năm 2019.