Ngày 23/6, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) phát động Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” dưới sự chủ trì và điều phối của Cục An toàn thông tin.
Chiến dịch triển khai từ ngày 23/6 đến 23/7, nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng.
Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ "Cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng".
Trong Cẩm nang, người dân được hướng dẫn dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tại Việt Nam như: "Combo du lịch giá rẻ"; Cuộc gọi video Deepfake; "Khoá SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; Lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online; Đánh cắp thông tin CCCD đi vay tín dụng; Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook...
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Trong đó, 3 nhóm lừa đảo chính gồm: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin nhận thấy việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.