Pháp, Thụy Sĩ nới lỏng hạn chế chống dịch Covid-19, ca mắc mới tại Nhật Bản tăng mạnh

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới có 385.066.877 ca mắc Covid-19, gồm 2.993.907 ca mới. Số ca tử vong là 5717.677 ca, gồm 11.555 ca mới.

Người dân Pháp có thể được dỡ bỏ các hạn chế chống dịch vào tháng 2, gồm đeo khẩu trang.
Người dân Pháp có thể được dỡ bỏ các hạn chế chống dịch vào tháng 2, gồm đeo khẩu trang.

Nước Anh hôm qua báo cáo 534 ca tử vong trong vòng 28 ngày dương tính với Covid-19 và đây là con số cao nhất kể từ cuối tháng 2/2021. Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 mới là 88.085 ca.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục là 110.682 ca trong 24 giờ - mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Gần đây, số ca mắc hàng ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 20.000 ca nhưng đã tăng mạnh vì biến thể Omicron dễ lây lan. Nhà chức trách cũng cho biết 217 người tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch ở quốc gia này lên 87.000 người.

Hội đồng khoa học về virus corona của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng vào tuần sau, thuốc chống virus molnupiravir sẽ được cung cấp cho bệnh nhân ở giai đoạn đầu mắc Covid-19 trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền.

Nhiều quốc gia đổ xô mua thuốc molnpiravir của hãng Merck sau khi có những kết quả thử nghiệm ban đầu đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, số liệu gần đây vào cuối tháng 12 cho thấy loại thuốc này kém hiệu quả nhiều hơn so với nhiều người nghĩ.

Tại Nhật Bản, lần đầu tiên thủ đô Tokyo có số ca mắc kỷ lục là 21.576 ca vào hôm qua, làm lu mờ hy vọng rằng làn sóng lây nhiễm do Omicron đã đạt đỉnh ở quốc gia này.

Số ca mắc Covid-19 trên cả nước cũng đạt mức kỷ lục 91.760 ca, trong khi 18 tỉnh cũng ghi nhận số ca mắc cao nhất.

Tỷ lệ sử dụng giường bệnh cho bệnh nhân Covid-19 nặng hiện chiếm 51,4%. Trước đây nhà chức trách nói rằng nếu tỷ lệ này đạt 50% thì sẽ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, giờ đây họ cho rằng quyết định sẽ tùy thuộc vào số ca nặng và các yếu tố khác.

Thủ đô Tokyo và hầu hết Nhật Bản đang bị áp dụng những giới hạn để kiềm chế sự lây lan của đại dịch.

Hôm qua, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết chính phủ không có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng vẫn cảnh giác.

Trong khi đó, một số quốc gia khác lại đang nới lỏng các giới hạn chống Covid-19.

Thụy Sĩ bắt đầu nới lỏng các hạn chế chống dịch vào hôm qua khi sự lo ngại giảm bớt về số ca mắc tăng mạnh do Omicron làm hệ thống y tế quá tải.

Trong một tuyên bố, chính phủ cho biết “mặc dù số ca mắc cao kỷ lục nhưng không có tình trạng quá tải và công suất của các đơn vị chăm sóc đặc biệt đã giảm hơn nữa. Nguyên nhân của việc này có thể do khả năng miễn dịch của dân số cao nhờ tiêm chủng và đã khỏi bệnh sau khi mắc”.

Các quy tắc cách ly và lệnh làm việc tại nhà ở đây sẽ chấm dứt vào ngày mai và các biện pháp nới lỏng hơn nữa được đề xuất.

Pháp hôm qua cũng nới lỏng một số giới hạn nhằm ngăn ngừa số ca mắc gia tăng. Nhà chức trách hy vọng số ca mắc hàng ngày giảm sẽ sớm bớt đi áp lực của các bệnh viện quá tải.

Động thái trên khiến các chuyên gia chia rẽ sau khi số ca mắc Covid-19 đạt kỷ lục chỉ trong tháng trước. Các nhà phê bình cáo buộc chính phủ vội vã trở lại cuộc sống bình thường.

Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định rằng việc tiêm chủng rộng rãi sẽ hạn chế được đại dịch. Hiện mọi người cần có bằng chứng đã tiêm chủng để được vào quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, phương tiện giao thông công cộng đường dài.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.