Bộ trưởng bày tỏ mong muốn ngoài hỗ trợ qua cơ chế COVAX, phía Pháp cũng có những hỗ trợ khác về vắc xin cho Việt Nam.
Hiện, Sanofi và một số công ty dược khác của Pháp đang nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin COVID-19 giai đoạn 3, Bộ trưởng mong muốn hai bên hợp tác trao đổi, chuyển giao công nghệ để giúp Việt Nam trong phát triển, sản xuất vắc xin.
Đại sứ Nicolas Warnery nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác y tế giữa Pháp và Việt Nam rất lâu đời với những chương trình hợp tác, hỗ trợ song phương, đa phương. Ông ghi nhận những đề xuất về tăng cường trao đổi để tiến tới chuyển giao công nghệ của Việt Nam. Các đề nghị của Việt Nam đang được phía Pháp nghiên cứu.
Đại sứ Pháp đề xuất nhập khẩu vắc xin Johnson&Johnson và triển khai tiêm vắc xin này cho cộng đồng người Pháp tại Việt Nam, ưu tiên trước hết cho nhóm đối tượng trên 55 tuổi.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ủng hộ đề xuất nhập khẩu vắc xin theo hình thức phi mậu dịch của phía Pháp. Hiện, một số tổ chức quốc tế và một số quốc gia đã nhập khẩu theo cách thức này với thủ tục đơn giản.
Bộ Y tế cũng tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp nhập vắc xin, sử dụng nguồn vắc xin này để tiêm cho người lao động trong các doanh nghiệp của Pháp đầu tư ở Việt Nam.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Johnson&Johnson và các công ty có vắc xin đã được cấp phép lưu hành tại các nước, mong các đơn vị sẽ nộp hồ sơ cấp phép tại Việt Nam.
Với hình thức nhập khẩu theo các đơn hàng và sử dụng rộng rãi hơn hoặc cung cấp cho Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định, quy trình nhập khẩu, thủ tục hành chính đã được Bộ Y tế cắt giảm tối đa. Trong thời gian từ 5-10 ngày, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt vắc xin trong tình trạng cấp bách.
Người đứng đầu ngành y tế Việt Nam mong muốn tiếp cận nguồn vắc xin COVID-19 mà Pháp đã mua nhưng không sử dụng đến và các nguồn vắc xin khác để hỗ trợ cho Việt Nam.
Ông Nicolas Warnery cho biết, sẽ làm việc với các đơn vị để sớm đưa vắc xin về Việt Nam, sau đó sẽ nghiên cứu lựa chọn đối tác để thực hiện việc tiêm chủng.