Pháp: Oái oăm chuyện xét xử đàn ông bất lực

GD&TĐ - Trước cuộc Cách mạng 1789 – 1799, hôn nhân ở Pháp nằm dưới sự quản lý và giám sát của giáo hội. Sinh hoạt vợ chồng bị áp đặt vào mục tiêu duy nhất là “để đẻ con”.

Thời trung đại, hôn nhân ở Pháp là nghĩa vụ sinh sản.
Thời trung đại, hôn nhân ở Pháp là nghĩa vụ sinh sản.

Nếu một nam giới không đáp ứng được nhiệm vụ này, anh ta có thể bị vợ kiện ra tòa, buộc phải chứng minh khả năng đàn ông trước con mắt của bàn dân thiên hạ. 

Chứng minh công khai

Những năm trung đại, Pháp theo Giáo hội Công giáo (Roman Catholic). Giáo luật của tín ngưỡng này quy định một vợ một chồng và các cặp phu thê có nghĩa vụ sinh con đẻ cái. Đàn ông bị bất lực mà vẫn kết hôn (bất kể có biết về tình trạng của mình hay không) là phạm pháp. 

Theo các tài liệu lịch sử, công giáo Pháp cấm ly hôn từ thế kỷ XII. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 1426, li hôn hợp pháp nếu người chồng bị bất lực. Khi người vợ nghi ngờ hoặc xác nhận chồng bất lực, họ có quyền đệ đơn ly hôn lên tòa án giáo hội.

Trong phiên xét xử, người chồng phải chứng minh khả năng đàn ông của mình. Nếu thành công, anh ta giữ được hôn nhân. Nếu thất bại, anh ta buộc phải trả tự do cho người vợ. 

Cuộc tố tụng ly hôn bắt đầu bằng việc người vợ bước vào tòa án giáo hội. Chị ta xin được phép chấm dứt mối quan hệ ràng buộc với người chồng, với lý do anh ta không hoàn thành trọng trách sinh sản.

Tòa án tiếp nhận yêu cầu, cắt cử nhóm bác sĩ và nữ hộ sinh kiểm tra thân thể. Bộ phận sinh dục của người chồng - “đối tượng” bị tố cáo chính được xem xét trực quan hết sức tỉ mỉ. Người ta đánh giá màu sắc, đo đạc kích thước, khả năng cương cứng... rồi ghi chép kết quả cụ thể. 

Sau kiểm tra thân thể là kiểm tra phòng the. Cả vợ lẫn chồng đều bị tra hỏi cặn kẽ về chuyện giường chiếu. Giáo hội quy định, vợ chồng chỉ được phép giao hợp trong “tư thế truyền thống”. Nếu người chồng đòi hỏi người vợ phải hoan ái trong tư thế khác, anh ta bị khép vào tội dâm dục. 

Đến buổi xét xử, người chồng phải trải qua các thử thách chứng minh “khả năng đàn ông” công khai. Anh ta có thể phải đi đến bước cuối cùng là quan hệ với vợ ngay giữa phòng xử án. 

Đàn ông Pháp phải công khai chứng minh khả năng tình dục, mới giữ được hôn nhân và danh dự.
Đàn ông Pháp phải công khai chứng minh khả năng tình dục, mới giữ được hôn nhân và danh dự.

Thật giả bất phân

Năm 1657, thiếu phụ Mademoiselle Marie de St Simon de Courtemer tố cáo chồng là Marquis de Langey bất lực, đòi li hôn. Cô cho biết đã cưới Langey vào năm 1653, ở tuổi 14 và trong suốt 4 năm hôn nhân, Langey không thực hiện nghĩa vụ của người chồng. 

Langey vốn là một quý tộc trẻ và đẹp trai. Lúc bị Courtemer tố lên tòa, anh mới 29 tuổi xuân. Hành động của Courtemer khiến Langey cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Anh nhất quyết theo vụ kiện đến cùng, chứng minh mình là một đàn ông bình thường, khỏe mạnh. 

Phiên tòa xét xử vụ li hôn của vợ chồng Courtemer và Langey diễn ra trong một nhà tắm địa phương. Trước con mắt quan sát của nhiều người, cả hai bước vào “thử thách cuối cùng”.

Sau nhiều giờ nỗ lực, Langey vẫn thất bại. Quan tòa quyết định Courtemer thắng kiện, được phép li dị và tái hôn; còn Langey phải trả lại của hồi môn cho vợ và bị cấm lấy người khác.

Thực tế, Langey không hề bị bất lực. Sau này, ông vẫn kết hôn. Người vợ thứ 2 của Langey biết rõ tai tiếng của ông nhưng không màng. Họ chung sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long, có với nhau 7 đứa con. 

Vào thế kỷ XVIII, Pháp cũng có một vụ kiện chồng bất lực nổi đình nổi đám. “Bị cáo” là Hầu tước de Gesvres. Phu nhân của ông, bà Mademoiselle de Mascranny tuyên bố trong suốt 3 năm chung sống, Gesvres chưa một lần làm trọn vai trò của người chồng. 

Cũng như Langey, Gesvres bị kiểm tra từ A đến Z. Nhóm “giám định” báo cáo, ông có khả năng cương cứng, nhưng thời gian duy trì quá ngắn, chưa đủ để chứng minh không bị liệt dương. Vụ kiện còn đang tiến hành, bà Mascranny đột ngột qua đời. Gesvres thoát khỏi bị vợ bỏ, nhưng trọn kiếp không tránh được con mắt dò xét, tội nghiệp của người đời.

Phụ nữ chỉ được phép li hôn nếu chồng bị bất lực.
Phụ nữ chỉ được phép li hôn nếu chồng bị bất lực.

Khiếm nhã và tàn bạo

Kể từ thời cổ đại, xung đột tình dục đã bị chỉ trích là “kẻ giết người không dao”. Việc giáo hội Pháp cấm ly hôn làm nảy sinh ra giải pháp bỏ nhau trong ồn ào, xúc phạm nhất. Đối với nam giới, phán quyết “bị bất lực” chẳng khác nào đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Suốt những năm tháng còn lại, họ phải sống trong cảm giác bẽ mặt, tuyệt vọng.

Mặc dù có vẻ bất tổn thương trong kiểu tố tụng li hôn này, nhưng phụ nữ không hẳn là được lợi. Thực tế, trước khi kết hôn, họ cũng bị kiểm tra trinh tiết. Trong quá trình li dị, họ phải trải qua các bước kiểm tra và chứng minh như người chồng. Nếu thất bại trong việc gán anh ta tội “không tròn nghĩa vụ”, danh giá và tương lai của họ đều bị hủy hoại hết. 

Vào thế kỷ XVI - XVII, các phiên xét xử li hôn tại Pháp tăng đột biến. Tòa án trở thành sàn diễn của các trò lừa gạt, phục vụ mục đích bỏ nhau. Nhiều phụ nữ chán ghét cuộc sống hôn nhân đã bằng mọi cách vu khống bệnh liệt dương cho chồng. Những “bị cáo” đàn ông cũng đánh đổi tất cả, để lấy lại danh dự.

Bất kể thành hay bại, một vụ li hôn kiểu này cũng trở thành đề tài đàm tiếu. Dẫu là người vợ hay người chồng cũng biến thành nạn nhân miệng đời đáng thương. Toàn bộ tiểu sử bệnh án, thói tật, cuộc sống riêng tư của họ bị phơi bày, mổ xẻ mua vui không thương tiếc. 

“Cái chuyện nực cười như thế này không xuất hiện ở bất cứ đâu trên thế giới, trừ đất nước của chúng tôi”, đại văn hào Voltaire (1694 - 1778) của Pháp từng mỉa mai. “Chúng ta bày ra bộ dạng nghiêm túc, xét duyệt những gì đáng và nên được che đậy kín trong màn bí mật”. 

Mãi đến sau Cách mạng 1789 – 1799, người Pháp mới được giải phóng khỏi “tình dục như một nghĩa vụ pháp lý”. Mọi người được phép tự do yêu đương, kết hôn, li dị và có con. 

Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ