Phản đối cực đoan trước chính sách giáo dục
Anas K, sinh viên 22 tuổi, đã tự thiêu bên ngoài một tòa nhà của trường ĐH ở thành phố Lyon, phía Đông Nam nước Pháp nhằm phản đối những chính sách GD mà chính phủ nước này đưa ra, cũng như nhấn mạnh hoàn cảnh khó khăn của mình. Sau vụ việc, các bác sĩ cho biết, Anas bị bỏng 90% cơ thể và đang rơi vào tình trạng nguy kịch.
Sau vụ việc gây chấn động, ngày 13/11, hàng trăm SV Pháp biểu tình tại các thành phố lớn của nước này như Lyon, Lille, Bordeaux và Paris. Thậm chí, nhóm người này đã có hành động quá khích trước cổng của Bộ GDĐH. Một cuộc hội thảo của cựu Tổng thống Francois Hollande phải hoãn lại tại Trường ĐH Lille, khi hàng loạt SV chặn các lớp học của Trường ĐH Lyon 2 - nơi nam SV Anas theo học.
Tại Saint-Etienne thuộc miền Trung nước Pháp - quê nhà của Anas, một người anh em họ của SV 22 tuổi này khẳng định, Anas đã có “hành động anh hùng”. Bên cạnh đó, người này cũng kêu gọi các SV “tiếp tục chiến đấu”. Một số video được đăng trên Facebook cho thấy, các SV, trong đó một số người dùng khăn che mặt, đã ném những cuốn sách bị xé toạc khắp phòng và chen lấn, đụng độ với nhân viên bảo vệ.
Trước bối cảnh này, người phát phôn chính phủ Sibeth Ndiaye cho biết, tại cuộc họp nội các, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định, nam SV Anas đã có hành động “bi kịch”; đồng thời bày tỏ “sự đồng cảm sâu sắc và lòng trắc ẩn” tới nạn nhân. Tuy nhiên, bà Sibeth Ndiaye cũng khẳng định, “không điều gì” có thể biện minh cho các hành vi phá hoại được gây ra trong cuộc biểu tình.
Trước tình hình căng thẳng, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Laurent Nunez nói với Đài phát thanh France Inter rằng, “cảm xúc thực sự” của mọi người sau vụ tự tử của nam SV là điều dễ hiểu. Mặt khác, ông Nunez cũng mô tả thiệt hại mà những người biểu tình gây ra cho tòa nhà của Bộ, những lời đe dọa mà các nhà quản lý SV nhận được, và việc ngăn chặn hội nghị của cựu Tổng thống Hollande là việc làm hoàn toàn “không thể chấp nhận được”.
Truyền thông cho biết, nam SV 22 tuổi Anas K đang theo học ngành Khoa học chính trị đã bị cắt trợ cấp sau khi phải học lại năm thứ 2. Trong bài đăng trên Facebook cá nhân, Anas K chia sẻ, ngay cả khi nhận được một khoản tiền trợ cấp hàng tháng trị giá 450 euro (495 USD), cậu vẫn rất khó khăn để trang trải cuộc sống.
“Năm nay, tôi đang học năm thứ hai bằng cử nhân. Tôi không có tài trợ. Làm thế nào người ta có thể sống với số tiền trợ cấp 450 euro? Sau khi nghiên cứu, chúng ta sẽ phải làm việc trong bao lâu để trả các khoản phí xã hội của mình và có một khoản lương hưu xứng đáng? Tôi cáo buộc các ông
Emmanuel Macron, các cựu Tổng thống Francois Hollande, Nicolas Sarkozy và Liên minh châu Âu đã giết tôi khi tạo một tương lai bất ổn cho mọi người... Mong muốn cuối cùng của tôi là các SV tiếp tục đấu tranh và chấm dứt chuyện này”, Anas để lại thông điệp cho Bộ GD và chính phủ Pháp.
Chia sẻ với truyền thông, ông Bastien Pereira Besteiro, một nhà hoạt động công đoàn và là giáo viên tại Trường ĐH Lyon 2, tuyên bố các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục cho đến khi chính phủ đưa ra “hành động thỏa đáng” đối với những SV nghèo. Chính phủ Pháp lo ngại rằng, đất nước sẽ có thể tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn và những người biểu tình này có thể nhập với “phe áo vàng”, dự kiến bắt đầu vào tháng sau.
Học lại vì làm thêm
Phát ngôn viên chính phủ Sibeth Ndiaye khẳng định, mức ngân sách hỗ trợ cho SV hoàn toàn hợp lý; đồng thời lưu ý rằng, số lượng học bổng dành cho SV trong hoàn cảnh khó khăn đã tăng 1,1% trong năm học 2019 - 2020.
Chia sẻ với AFP, Sophie - một SV năm thứ 3 đang theo học ngành Khoa học Xã hội cho biết, khoản trợ cấp của cô đã bị cắt với lý do nữ sinh này thi trượt sau quãng thời gian dài nằm viện. Cũng theo Sophie, tình hình tài chính khó khăn đã khiến cô phải làm nhiều công việc cùng lúc và thậm chí là lục lọi thùng rác để tìm thức ăn.
Tại Pháp, các SV sẽ được theo học miễn phí và chỉ phải đóng một khoản phí đăng ký. Thống kê từ chính phủ Pháp từ năm 2016 cho thấy, có tới gần 1/3 SV nước này phải học lại năm đầu tiên và chỉ có 28,4% người học lấy được bằng đúng hạn trong khóa học kéo dài 3 năm.
Không ít SV Pháp đã phải làm thêm để có thể chi trả cho nhiều khoản chi phí trong thời gian học ĐH. Các chuyên gia cho rằng, đây là một lý do chính dẫn tới tỷ lệ trượt cao trong các kỳ thi. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Liên hiệp SV quốc gia Pháp (UNEF) trong năm 2018 cho thấy, có tới 46% người học cho biết sẽ tìm việc làm thêm.
“Nhiều SV phải ngủ trong xe hay ngoài đường đã tìm đến UNEF nhờ giúp đỡ. 42% người học trong một cuộc khảo sát của nhóm bảo hiểm SV cho biết, họ không thể đi khám bác sĩ vì không có tiền”, Melanie Luce - Chủ tịch UNEF cho hay.
Là một phần trong nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách, năm ngoái, Tổng thống Pháp Macron đã cắt giảm trợ cấp nhà ở dành cho SV. Động thái này đã gây ra nhiều tranh cãi, khi chính phủ tuyên bố cắt giảm thuế đối với người giàu. Chỉ khoảng 1/3 sinh viên Pháp nhận được hỗ trợ từ chính phủ, tối đa là 550 euro - khoản phí chỉ đủ trả tiền nhà tại nhiều thành phố của nước này.
Mặc dù ủng hộ những yêu cầu của phong trào biểu tình, nhưng nhiều SV khẳng định không ủng hộ hành động của Anas. “Tự thiêu là một dấu hiệu rằng, anh là một người hèn yếu. Sẽ luôn vượt qua khó khăn dù không có tiền, luôn có giải pháp”, một SV 20 tuổi chia sẻ.