Vụ sai phạm về chấm thi ở Hà Giang: Đối tượng gây ra sai phạm sẽ bị xử lý ra sao?

GD&TĐ - Liên quan đến sai phạm về chấm thi THPT Quốc gia ở Hà Giang đang gây xôn xao trong dư luận, theo luật sư, tùy vào mức độ, người có hành vi sửa chữa, thay đổi điểm thi của thí sinh tùy mức độ hành vi có thể bị buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Luật sư Nguyễn Hồng Thái
Luật sư Nguyễn Hồng Thái

Nếu hành vi có tính chất nguy hiểm, gây hậu quả lớn cho xã hội thì người phạm tội có thể bị phạt tù ít nhất là 1 năm, nhiều nhất là 20 năm.

Chiều 17/7, Bộ GD&ĐT chính thức thông tin về xử lý kết quả điểm thi bất thường tại Hà Giang. Theo đó, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Qua chấm thẩm định cũng cho thấy một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0,2 đến 1,0 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn Giáo dục công dân có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố.

Qua xác minh ban đầu, ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp kết quả thi của thí sinh.

Liên quan đến kết quả thi bất thường tại Hà Giang đang gây xôn xao dư luận trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp cho biết một số quan điểm về mặt pháp lý.

Nhận định về vụ việc, luật sư Thái cho hay, trường hợp phát hiện ra sai phạm, có sự can thiệp vào điểm thi của thí sinh thi THPT quốc gia 2018 thì sẽ căn cứ vào Thông tư số: 04/2017/TT-BGDĐT về ban hành quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông để xử lý.

Cụ thể, luật sư Thái cho biết, căn cứ điểm d, khoản 1 Điều 48 quy định về xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi, thì Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:

“Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; Làm lộ số phách bài thi; Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh”

Như vậy, dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Thái cho rằng, tùy vào mức độ, người có hành vi sửa chữa, thay đổi điểm thi của thí sinh tùy mức độ hành vi có thể bị buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu hành vi có tính chất nguy hiểm, gây hậu quả lớn cho xã hội thì có thể cấu thành tội Giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó người phạm tội có thể bị phạt tù ít nhất là 1 năm, nhiều nhất là 20 năm.

“Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”

Theo luật sư Thái, trường hợp người tham gia tổ chức thi và những người có liên quan đến việc tổ chức thi không phải là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi, tùy theo mức độ, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về lao động.

Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, người vi phạm có thể bị các cơ quan có thẩm quyền cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm.

Hủy bỏ kết quả thi

Về bài làm của thí sinh, luật sư Thái cho hay, theo Khoản 5 Điều 49 Thông tư số: 04/2017/TT-BGDĐT quy định huỷ bỏ kết quả thi đối với những thí sinh để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp... Như vậy, nếu phát hiện ra sai phạm trong việc sửa bài thi của thí sinh thì căn cứ báo cáo bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng thi, Giám đốc sở GDĐT ra quyết định hủy bỏ kết quả thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ