Nghi phạm cướp ngân hàng BIDV tại Hà Nội đối mặt với khung hình phạt nào?

GD&TĐ - Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi của nghi phạm cướp ngân hàng BIDV (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là rất táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật.

Đối tượng Hào bị bắt giữ.
Đối tượng Hào bị bắt giữ.

Như báo GD&TĐ đưa tin, vào khoảng 11h55 ngày 15/3, Phạm Anh Hào (SN 1978, trú phường Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) mang 1 khẩu súng ngắn (dạng súng bật lửa và 1 khối bên ngoài bọc bằng băng dính đen) vào phòng giao dịch ngân hàng BIDV chi nhánh tại ngã tư Gạch, huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) cướp tài sản.

Vừa bước vào, hắn ta để khối bọc băng dính đen trước cửa ra vào của ngân hàng, tay phải cầm súng yêu cầu nhân viên ngân hàng cho tiền vào túi.

Lúc này, tên cướp hét lớn đe doạ, yêu cầu nhân viên nhanh thực hiện theo yêu cầu của hắn, nếu không “mìn nổ và bắn chết nhân viên”. Trong lúc đó, nhân viên đã đưa 76 triệu đồng cho Hào, đồng thời ấn chuông báo động.

Sau khi nhận tiền, nam nghi phạm bỏ chạy ra ngoài cửa thì bị Công an huyện Phúc Thọ và bảo vệ, nhân viên ngân hàng bắt tại trận thu giữ toàn bộ tang vật.

Trước khi gây án, y đã khảo sát địa điểm rồi mới ra tay. Lý do khiến đối tượng này cướp ngân hàng do thiếu tiền tiêu xài.

Được biết, Hào đã có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản và làm nghề lái xe taxi.

Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ  về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của nghi phạm là rất táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật.

Luật sư Thơm phân tích, chỉ vì không có tiền tiêu xài, nghi phạm đã lên kế hoạch, chuẩn bị công cụ phương tiện phạm tội là khẩu súng ngắn (dạng súng bật lửa) và 1 khối bên ngoài bọc băng dính đen (giống như mìn) xông vào Chi nhánh Ngân hàng đe dọa các nhân viên giao dịch để chiếm đoạt đoạt tài sản.

Nhân viên Ngân hàng đưa cho nghi phạm 76 triệu. Đồng thời, ấn chuông báo động nên khi nghi phạm chạy ra ngoài thì đã bị Công an huyện Phúc Thọ và bảo vệ, nhân viên ngân hàng bắt tại trận thu giữ toàn bộ tang vật.

"Xét hành vi phạm tội của nghi phạm sử dụng khẩu súng ngắn (dạng súng bật lửa) và 1 khối bên ngoài bọc băng dính đen (giống như mìn) đe dọa, uy hiếp các nhân viên giao dịch nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đã cấu thành tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự...", luật sư Thơm nói.

Luật sư Thơm cũng cho biết, để có căn cứ xử lý về tội Cướp tài sản cần làm rõ ý thức chủ quan và hành vi khách quan của nghi phạm khi chiếm đoạt tài sản để xử lý tương ứng theo quy định tại Điều 168 BLHS.

Nếu nghi phạm đe dọa yêu cầu các Nhân viên tại quầy giao dịch đưa tiền (không nói số tiền cụ thể) mà các Nhân viên đưa 76 triệu hoặc tại thời điểm đó quầy giao dịch chỉ có 76 triệu thì nghi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ, Khoản 2 Điều 168 BLHS (khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm).

Trường hợp, nghi phạm đe dọa yêu cầu các Nhân viên đưa hết tiền tại quầy giao dịch thì nghi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền hiện có tại thời điểm phạm tội sau khi kiểm đếm.

Nếu quầy giao dịch có số tiền từ 500 triệu đồng trở lên thì nghi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a, Khoản 4 Điều 168 BLHS với khung hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

"Mặc dù các Nhân viên giao dịch đã đưa cho nghi phạm 76 triệu thì nghi phạm vẫn phải chịu trách chung về tổng số tiền tại quầy giao dịch... Việc nghi phạm bị bắt giữ và ngân hàng không bị thiệt hại gì về tài sản thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản theo Điều 168 BLHS là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật...", luật sư Thơm nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em gái Pakistan phải làm ruộng thay vì được đi học.

Bất bình đẳng giáo dục tại Pakistan

GD&TĐ - Pakistan đối mặt với khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng, khi hơn 26 triệu trẻ em không được đến trường, phần lớn ở các vùng nông thôn.