Nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM sai phạm gì trong "Vụ án SAGRI"

GD&TĐ - Sau điều tra bổ sung, cảnh sát phát hiện thêm 3 người liên quan việc tham ô tài sản và gây thất thoát tại Tổng công ty Sagri. Như vậy, có tất cả 19 người bị xác định phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án.

Bị can Lê Tấn Hùng – nguyên Tổng giám đốc Sagri
Bị can Lê Tấn Hùng – nguyên Tổng giám đốc Sagri

Bán đất không cần định giá

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CQĐT) vừa ra kết luận điều tra bổ sung, đề nghị Vụ 5 Viện KSND tối cao truy tố 19 bị can trong vụ án tham nhũng, thất thoát tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).

Theo kết luận điều tra trước đó, năm 2016, Lê Tấn Hùng – Tổng giám đốc Sagri đã lợi dụng chức vụ của mình, chỉ đạo cấp dưới thống nhất với Công ty Du lịch Thanh niên Xung phong (VYC) để lập khống 10 hồ sơ cho các cán bộ, công nhân viên đi tham quan học tập kinh nghiệm ở 16 nước để chiếm đoạt 13 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian làm Tổng giám đốc Sagri, ông Lê Tấn Hùng biết rõ việc chuyển nhượng dự án nhà ở Khu phố 4 tại phường Phước Long B (quận 9) là chuyển nhượng vốn, tài sản Nhà nước nên phải thực hiện đúng quy định của pháp luật; phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường. 

Ngoài ra, dự án này mới chỉ xây dựng được 80% công trình kỹ thuật hạ tầng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng...

Tuy nhiên, bị can Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng.

Tổng cộng, công ty Phong Phú đã chi hơn 192 tỷ đồng để mua dự án này gồm 168 tỷ đồng giá mua, 20 tỷ đồng lợi thế thương mại theo thỏa thuận và hơn 4 tỷ đồng tiền thuế GTGT.

CQĐT xác định hành vi mua bán dự án như trên là trái quy định. Tại thời điểm các bị can thực hiện xong hành vi phạm tội của mình vào tháng 12/2017, dự án có giá hơn 541 tỷ đồng nên gây thiệt hại hơn 348 tỷ đồng (541 tỷ đồng trừ đi hơn 192 tỷ đồng); đây là căn cứ xử lý hình sự.

Thiệt hại để xem xét trách nhiệm dân sự sẽ được tính tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 7/2019). CQĐT xác định lúc này, dự án có giá hơn 864 tỷ đồng nên Nhà nước bị thiệt hại hơn 672 tỷ đồng (864 tỷ đồng trừ đi hơn 192 tỷ đồng).

Trong vụ, phía điều tra nêu quan điểm, bị can Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch UBND TP HCM đã ký quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng dự án trên. Hành vi này tạo điều kiện cho Lê Tấn Hùng và cấp dưới thực hiện thủ tục chuyển nhượng trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Do vậy, CQĐT đã đề nghị truy tố 16 bị can về các tội danh khác nhau.

Bị can Trần Vĩnh Tuyến – nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Bị can Trần Vĩnh Tuyến – nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Thêm 3 bị can vướng lao lý

Sau khi nhận bản kết luận như trên, viện kiểm sát đã trả hồ sơ, yêu cầu xem xét xử lý một số đối tượng liên quan có hành vi vi phạm pháp luật.

Kết thúc điều tra bổ sung, CQĐT đề nghị truy tố thêm 3 bị can khác và trong đó, Hồ Văn Ngon – nguyên Phó tổng giám đốc Sagri bị xác định là người hiểu biết trong lĩnh vực kinh tế, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại TP.HCM.

Tuy nhiên, bị can Ngon thống nhất, biểu quyết đồng ý về chủ trương, giá trị chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại Khu phố số 4 phường Phước Long B dù dự án này chưa được thẩm định giá.

Ông Ngon thừa nhận sai phạm của bản thân nhưng khẳng định không hưởng lợi vật chất. Cảnh sát cũng không thu thập được chứng cứ vụ lợi của bị can này nên đề nghị viện kiểm sát truy tố ông Ngon về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Các bị can Hồ Văn Ngon, Dư Huy Quang, Lê Thị Diệp Cẩm
Các bị can Hồ Văn Ngon, Dư Huy Quang, Lê Thị Diệp Cẩm

Tiếp đến, Dư Huy Quang – nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM bị xác định không hoàn thành nhiệm vụ của mình; bỏ qua, không kiểm tra hồ sơ trong việc Sagri chuyển nhượng dự án cho công ty Phong Phú.

Hành vi này tạo điều kiện cho nhóm Lê Tấn Hùng hoàn thành việc chuyển nhượng, gây thiệt hại cho Nhà nước. Do vậy, CQĐT đề nghị viện kiểm sát truy tố Dư Huy Quang về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can cuối cùng, Lê Thị Diệp Cẩm – Phó phòng hành chính nhân sự Sagri từng giúp nhận tiền từ công ty VYC cho nhóm Lê Tấn Hùng.

Năm 2017, khi có thanh tra vào Sagri, bị can Cẩm đã cùng các nhân viên khác soạn tờ trình, biên bản để hợp thức, hoàn thiện hồ sơ hợp đồng đi tham quan nước ngoài nhằm che giấu hành vi tham ô tài sản của Lê Tấn Hùng và đồng phạm.

CQĐT không chứng minh được việc Lê Thị Diệp Cẩm vụ lợi hoặc có động cơ cá nhân khác trong vụ án nên đề nghị viện kiểm sát truy tố bị can này về tội “Che giấu tội phạm”.

Trong 19 bị can, có 9 người bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (gồm ông Trần Vĩnh Tuyến) và 5 người bị đề nghị truy tố về tội “Tham ô tài sản”.

Các bị can Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thị Thúy - nguyên Kế toán trưởng của Sagri bị đề nghị truy tố về cả 2 tội danh trên.

Nhóm Nguyễn Thị Thanh An – kiểm soát viên Sagri và Dư Huy Quang bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị can Lê Thị Diệp Cẩm bị đề nghị truy tố về tội “Che giấu tội phạm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.