Phản tỉnh

GD&TĐ - Con người ta, không ai sinh ra đã là toàn hảo, cho nên sống là một quá trình học hỏi, trong đó có thái độ và ý thức phản tỉnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phản tỉnh là xét lại tư tưởng, xét lại hành động của mình để tìm những sai lầm. Phản tỉnh, nói một cách dễ hiểu là sự soi chiếu để tỉnh thức, để sửa sai, nó như một quy trình bắt buộc để chúng ta hạn chế tối đa những sai sót lỗi lầm. Cho nên, phản tỉnh vừa là thái độ vừa là hành động. Làm người mà không có ý thức phản tỉnh thì hoặc quá kiêu ngạo hoặc quá u mê.

Chẳng hạn khi vụ 3 ông công an đánh cháu bé ở Sóc Trăng, bên cạnh những tiếng nói chỉ trích thì cũng rất nhiều lời bênh vực. Những bạn bênh vực hầu hết là ở trong ngành hoặc có những mối liên hệ liên quan. Nói nôm na, đó là một kiểu chạm nọc.

Đó cũng là tâm lý phổ quát. Nhưng phải xét trên trường hợp thật cụ thể. Việc ấy là đúng hay sai, có bênh được không, chứ không phải mình là người trong cuộc thì mình phải bênh cho bằng được. Người trong cuộc thì càng phải có thái độ phản tỉnh.

Điều này, xét đến cùng nguyên nhân cũng đến từ một thói quen có tính phổ quát của người Việt “có gì cũng là người trong nhà nên đóng cửa bảo nhau”. Nhưng chính cái “đóng cửa bảo nhau” đó lại vô tình là nguồn cơn dẫn cái sai này đến cái sai khác lớn hơn.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại rằng, phản tỉnh không phải là việc dễ dàng. Từ phản tỉnh chính mình tới phản tỉnh những người xung quanh và xã hội là những bước dài, có khi là thăm thẳm.

Bởi, người hành động phản tỉnh dễ bị xem là phá đám, gây mất đoàn kết nội bộ. Người hành động phản tỉnh rất dễ bị quy chụp, rất dễ bị đám đông xa lánh. Còn những kẻ tiểu nhân xu nịnh thì dễ dàng hơn rất nhiều.

Nhưng cuộc đời vốn ngắn ngủi, chúng ta liệu có nên vì những cái lợi của bản thân mà đánh mất mình không? Những hồng vệ binh, những kẻ chực chờ nụ cười xu nịnh lãnh đạo từ hàng ngàn mét ấy, rồi cũng thành cát bụi. Có mấy ai nhớ họ là ai, đã từng làm gì đâu?

Với Đảng ta, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề “phán tỉnh” đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Ngày 1/3/1947, Bác viết lá thư “Gởi các đồng chí Bắc bộ”. Trong thư, Bác nhấn mạnh:“Chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau đây: Địa phương chủ nghĩa: chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ.

Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực, vun đắp cho bộ phận ấy. Óc bè phái: Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe.

Óc quân phiệt, quan liêu: Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở vùng đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn át. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi...”

Phản tỉnh. Nếu không dám thì nên im lặng. Mark Twain có một câu khá hay thế này: "Chẳng thà mình không nói, để người ta tưởng mình ngu, còn hơn mở miệng ra để người ta không còn nghi ngờ gì nữa".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.