Phân tích bạo lực học đường dưới góc nhìn bất bình đẳng giới và định kiến giới

Phân tích bạo lực học đường dưới góc nhìn bất bình đẳng giới và định kiến giới

(GD&TĐ) - Hôm nay (10/10), tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) diễn ra Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giáo dục bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới đối với học sinh trung học. Hội thảo do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng và tổ chức Hòa bình và Phát triển (Tây Ban Nha) phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì Hội thảo

Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT xem xét vấn đề bạo lực học đường dưới góc nhìn của bất bình đẳng giới và định kiến giới. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì Hội thảo.

Đánh giá thực trạng

Được biết, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực thực hiện công tác bình đẳng giới trong trường học, đặc biệt thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 của Chính phủ đạt nhiều kết quả quan trọng.

Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình trong CBQL, GV, HSSV, Bộ GD&ĐT còn tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến bình đẳng giới trong sách giáo khoa các cấp học, lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản vào các môn học theo cấp học và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nhiều tài liệu về giáo dục giới và sức khỏe sinh sản cũng đã được biên soạn.

Việc tổ chức giảng dạy các kiến thức cơ bản về giới và sức khỏe sinh sản trong nhà trường, triển khai các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền về giới, giới tính, sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng chống bạo lực trong học đường…. đã giúp HS, SV hình thành thái độ, kỹ năng để giải quyết các vấn đề và những xung đột mang tính giới trong lứa tuổi HS, SV.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, việc thực hiện giáo dục bình đẳng giới, giới tính và truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn có những tồn tại cần giải quyết.

Như việc tiếp cận với giáo dục của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn và trở ngại hơn so với các em trai và nam giới; định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong một bộ phận dân cư. Công tác truyền thông, giáo dục về các nội dung trên vẫn chưa có hình thức mới hấp dẫn nên không thu hút sự tham gia của HS, SV.

Các biện pháp giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực giới trong trường học hiện vẫn chưa được triển khai tốt. Việc tư vấn, hỗ trợ HS, SV trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản lứa tuổi vị thành niên hiệu quả chưa cao, còn thiếu các dịch vụ y tế thân thiện và an toàn cho HS, SV…

"Hành trình yêu thương" và những tín hiệu vui tại Đà Nẵng

- 38% HS từ 12 - 13 tuổi đã từng chứng kiến ba đánh mẹ trong gia đình;

- 67% đã từng bị GV thực hiện các hình phạt thân thể, trong đó 34% bị đánh bằng tay và 33% bị đánh bằng đồ vật khác.

- 2/3 các em nữ đã từng bị gây bạo lực thể chất trong học kỳ vừa qua.

- 6% HS nam và 12% HS nữ có thái độ nhận thức cao về bình đẳng giới.

Khảo sát của Sở GD&ĐT Đà Nẵng

Hơn một năm qua, chương trình giáo dục "Hành trình yêu thương" được triển khai thí điểm tại 10 trường THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng. Học sinh các khối lớp 6 và 7 được học về giới, bình đẳng giới, những thay đổi cơ thể trong quá trình dậy thì, nhận biết bạo lực… để được nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kỹ năng duy trì các mối quan hệ hạnh phúc và lành mạnh.

Hành trình yêu thương giới thiệu một phương pháp tiếp cận đầy hứa hẹn trong việc phòng chống bạo lực bằng cách tác động đến các em học sinh nam, nữ nhằm phòng ngừa bạo lực trước khi xảy ra.

Ngoài 8.000 học sinh lớp 6, 7 ở 10 trường THCS tham gia chương trình, còn có 170 GV được tập huấn về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới, kỷ luật tích cực, phương pháp dạy học có sự tham gia, tham vấn tâm lý cho HS về các vấn đề về giới và bạo lực giới.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, đồng Giám đốc Dự án "Hành trình yêu thương" -  cho biết: Sau hơn một năm thực hiện chương trình thí điểm tại thành phố, dự án đã đạt được những kết quả rất khả quan về thay đổi nhận thức và hành vi của HS, GV về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới trong nhà trường.

Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, để "Hành trình yêu thương" mở rộng quy mô và tiếp cận với tất các các HS, cần có chủ trương, hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT cho các địa phương trong công tác lồng ghép giới và phòng ngừa bạo lực giới vào nội dung chương trình các cấp học; hỗ trợ kinh phí và đào tạo chuyên môn, kỹ năng cho đội ngũ GV nguồn về lồng ghép giới và phòng ngừa bạo lực giới trong học đường.

Hà Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ