GS.TS Trần Đức Nhiệm:

Phần thưởng cao quý nhất là học trò cống hiến thật nhiều cho xã hội

GD&TĐ - GS.TS Trần Đức Nhiệm đã ngoài 70, vẫn lọc cọc trên chiếc xe đạp đến bộ môn Cầu Hầm để truyền lửa đam mê học tập và nghiên cứu cho sinh viên. 

GS.TS Trần Đức Nhiệm (người đứng giữa) và các học trò trên công trường cầu Bạch Đằng, Tp Hải Phòng.
GS.TS Trần Đức Nhiệm (người đứng giữa) và các học trò trên công trường cầu Bạch Đằng, Tp Hải Phòng.

Tiên phong trong nghiên cứu

GS.TS Trần Đức Nhiệm tốt nghiệp lớp Cầu khoá 10, Trường ĐH Giao thông vận tải. Trải qua liên tục 50 năm học tập, giảng dạy, nghiên cứu tại Bộ môn Cầu Hầm của trường. Đằng sau vóc người nhỏ nhắn và tác phong nhanh nhẹn, khiêm nhường, uyên bác mà giản dị và tinh tế là một nhà khoa học uyên bác. Trên bục giảng hay đứng vai chỉ huy công trường, khi đứng vai trò là chủ nhiệm thiết kế các công trình lớn, thầy đều thể hiện một tác phong rất nghiêm cẩn, đúng mực trong công việc mà gần gũi, hoà đồng trong cuộc sống.

Nhận trách nhiệm là trưởng Bộ môn Cầu Hầm, Trường ĐH Giao thông vận tải trong giai đoạn từ 2000 đến 2012, cũng trùng với giai đoạn mà kĩ thuật ngành cầu tại Việt Nam có sự bùng nổ về số lượng, sự thay đổi về bản chất thiết kế, sự phát triển về mức độ phức tạp, GS Trần Đức Nhiệm với kiến thức mẫn tiệp của mình, đã đi sâu nghiên cứu bản chất của các phương pháp thiết kế, từ đó hình thành nên một trường phái nghiên cứu về lý thuyết xác suất, độ tin cậy ứng dụng trong thiết kế công trình tại Việt Nam.

GS.TS Trần Đức Nhiệm thuyết trình về giải pháp xử lý mặt cầu Thăng Long.

GS.TS Trần Đức Nhiệm thuyết trình về giải pháp xử lý mặt cầu Thăng Long.

Ngay từ những năm cuối thập niên 1980, khi phương pháp thiết kế theo các trạng thái giới hạn theo tư duy của Liên Xô, hay triết lý thiết kế theo ứng suất cho phép theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ trước năm 1992 còn đang ngự trị ở Việt Nam, thầy đã bàn và chuẩn bị những cơ sở lý thuyết cho việc thiết kế theo độ tin cậy riêng, lý thuyết sẽ trở thành nền tảng xây dựng nên các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới hiện nay như tiêu chuẩn Hoa Kỳ (từ 1998), tiêu chuẩn Châu Âu (Eurocode).

Nói về người thầy của mình, PGS.TS Ngô Văn Minh, phó trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu phát triển, Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết: Thầy luôn nỗ lực trong nghiên cứu và những nghiên cứu của thầy đều mang tính tiên phong. Con chim đầu đàn ấy chưa bao giờ tự cho phép mình đập cánh chậm lại, bởi vì vị trí của con chim đầu đàn phải là con chim báo bão, hay cánh én nhỏ báo trước mùa xuân. Và chắc thầy cũng hiểu, những con chim báo bão ấy thường đến thật tráng lệ những sẽ đi trong âm thầm.

Tỏa sáng khi cần thiết

Năm 2007, nhịp neo cầu dây văng Cần Thơ sụp đổ, kèm theo đó là 55 kĩ sư, thợ cầu Việt Nam tử nạn trong đó có cả những anh chị em là cựu sinh viên tuổi đời còn mới đôi mươi của Trường ĐH Giao thông vận tải. Trong niềm đau xót khôn tả, thầy Trần Đức Nhiệm, với vai trò là tổ trường Bộ môn đã đứng ra tập hợp các chuyên gia của Trường ĐH GTVT, nhận trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn kĩ thuật đánh giá nguyên nhân sự cố, để tìm ra và lý giải nguyên nhân, tránh lặp lại sự cố đau thương.

Thầy Nhiệm luôn khuyến khích học trò của mình sáng tạo trong khoa học.

Thầy Nhiệm luôn khuyến khích học trò của mình sáng tạo trong khoa học.

Trong thời khắc khó khăn, cân não của ngành GTVT, đánh giá của thầy Nhiệm và các chuyên gia trong bộ môn, là ý kiến quan trọng để Tổ chuyên gia giúp việc cho các Ban chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ GTVT về nguyên nhân sự cố cầu Cần Thơ tham khảo đưa đến những quyết định xử lý sự cố đúng đắn, khoa học, hợp lý, đồng thời góp phần đề xuất những giải pháp quan trắc, tư vấn xây dựng, tạo sự ổn định lâu dài cho cầu Cần Thơ, lúc đó là cây cầu dây văng lớn nhất nước, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng giao thông khu vực miền Tây Nam Bộ.

Năm 2018, trước yêu cầu cấp thiết sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đây là bài toán khó khi mặt cầu đã nhiều lần được sửa chữa nhưng thất bại. Lần này, dưới sự dẫn dắt của GS.TS Trần Đức Nhiệm, không quản dịch bệnh Covid-19 đang bùng nổ, nhóm công tác của bộ môn đã ngày đêm nghiên cứu, trao đổi với các nhà khoa học trong và ngoài nước, từ đó định hình nên giải pháp bền vững cho việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Dự án về đích đúng hạn chỉ sau đúng một năm tính cả thời gian nghiên cứu khả thi và thời gian triển khai xây dựng trên hiện trường.

Đáng kính trong lòng học trò

Số lượng học trò của thầy Nhiệm trải qua năm tháng đã là một con số khó thể đếm hết. Đến nay nhiều người trong số đó đã thành đạt, là nhà khoa học, nhà quản lý tên tuổi, nhưng đến với thầy đều bằng một mối chân tình riêng có giữa thầy với trò. Đúng như lời Bùi Thanh Nga, cựu sinh viên lớp Cầu Đường (tiếng Anh) K44, được thầy trực tiếp hướng dẫn tốt nghiệp chia sẻ: Thầy Nhiệm trao cho chúng tôi niềm tin và lạc quan đến kỳ lạ, có lẽ đó chính là chất xúc tác để thầy luôn gợi mở cho lứa sinh viên chúng tôi sự sáng tạo và niềm say mê với nghề nghiệp.

Thầy Nhiệm và những học trò của mình trong lễ khen thưởng tham gia các giải pháp cầu đường của Hà Nội.

Thầy Nhiệm và những học trò của mình trong lễ khen thưởng tham gia các giải pháp cầu đường của Hà Nội.

Từ “lò thầy Nhiệm”, nhiều nhà khoa học ngành cầu đã trưởng thành, rất nhiều nhà khoa học, kĩ sư, chuyên gia khác được thầy hướng dẫn tốt nghiệp, hướng dẫn thạc sĩ hoặc đơn giản chỉ được học thầy trong một môn học, hay được học thầy qua những cuốn sách, những bài viết, qua những lần trao đổi chuyên môn, mỗi khi gặp nhau, đều chia sẻ chung một niềm tự hào là “học trò thầy Nhiệm”. Học trò thầy Nhiệm, tức là ít hay nhiều đã học được từ thầy tư duy khoa học và cách tiếp cận cuộc sống đầy đặn, vui tươi, không thiên lệch và luôn hết mình cống hiến cho khoa học.

Các cựu sinh viên của thầy Nhiệm đều chung suy nghĩ, Thầy đã cho mình một hành trang vô giá, bước ra cuộc đời với những đôi bàn tay trắng, nhưng có niềm tin vào khoa học và trí tuệ để nỗ lực tỏa sáng. Với các học trò, thầy thật sự xứng đáng được nhận thật nhiều bằng khen, giấy khen, hay những tấm huân chương, những tấm huy chương, những danh vị cao hơn những danh vị mà thầy đã trải qua trong suốt cuộc đời. Nhưng thầy Nhiệm chưa bao giờ chờ đợi một tấm huân chương. Có lẽ với GS Trần Đức Nhiệm, phần thưởng cao quý nhất là học trò thành đạt và cống hiến thật nhiều cho xã hội!

Là nhân chứng sống của lịch sử ngành cầu đường Việt Nam qua 50 năm, thầy đã là người đi qua những sự kiện đáng nhớ. GS.TS Trần Đức Nhiệm là tác giả thiết kế của cầu dầm thép liên tục ba nhịp có điều chỉnh nội lực đầu tiên của Việt Nam từ những năm 90 của thế kỉ trước; hay là chỉ huy công trường xây dựng cụm cầu đường tại mỏ quặng Apatit tỉnh Lào Cai từ cuối những năm 80 đến nay vẫn được sử dụng.

Thầy là người thẩm tra dự án khôi phục các cầu dàn thép kiểu Nhật trên đường sắt Việt Nam. Thầy cũng đặt ra dấu ấn về giải pháp tăng cường cầu bằng phương pháp dự ứng lực ngoài và là người tiên phong trong áp dụng triết lý đánh giá khả năng khai thác của công trình cầu theo hệ số sức kháng và hệ số tải trọng, hiện đã được định hình hoá trong việc đánh giá cầu trên khắp đất nước. - PGS.TS Ngô Văn Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Salah ở lại Liverpool

Salah ở lại Liverpool

GD&TĐ - Tiền đạo Mohamed Salah quyết định gắn bó tương lai với đội chủ sân Anfield sau những phát biểu ‘gợn sóng gió’.