Tuy nhiên trên thực tế, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn của ngành Giáo dục đề ra khi đa số học sinh tốt nghiệp THCS vẫn vào THPT để học lên ĐH, CĐ. Điều này cũng dễ hiểu khi tâm lý của đa phần phụ huynh chưa sẵn sàng cho con học nghề sau THCS, phần nữa là nhiều trường trung cấp chưa đầu tư đủ mạnh để thu hút học sinh.
Có nhiều chuyển biến thấy rõ
Đến thời điểm này, mọi công tác xét tuyển lớp 10 tại TP HCM hầu như đã hoàn tất, các trường cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho năm học mới. Theo số liệu tổng hợp từ Sở GD&ĐT, trong hơn 79.000 học sinh tốt nghiệp THCS (năm học 2015 - 2016), có hơn 10.000 em đã được phân luồng thẳng vào các trường nghề hoặc loại hình trường học khác. Riêng đối với 6.000 học sinh thi rớt lớp 10 công lập, các em cũng có nhiều chọn lựa học ở trường ngoài công lập, trung cấp nghề, TCCN, trung tâm giáo dục thường xuyên, với tổng chỉ tiêu 42.000 suất. Đây là một tín hiệu đáng mừng so với những năm trước, dù còn khiêm tốn.
Nói về điều này, thầy Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết: Năm nay, nhờ các trường THCS tư vấn kỹ và phụ huynh cũng cân nhắc khi chọn trường học cho con em mình, cho nên học sinh chọn lựa nguyện vọng vào lớp 10 đúng theo năng lực, trình độ.
Để có được kết quả này, ghi nhận thực tế cho thấy, thời gian gần đây, nhiều trường THCS đã chủ động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh để các em chuẩn bị tinh thần và tự nguyện chọn ngã rẽ vào trường nghề, TCCN… thay vì tiếp tục thi lớp 10 rồi học không nổi. Ngay trong năm học lớp 9, nhiều trường THCS đã chủ động liên hệ với các trường trung cấp nghề, TCCN trên địa bàn để đưa học trò đến tham quan, tìm hiểu về ngành nghề đào tạo.
Trong khi đó, những năm gần đây, tại các trường dạy nghề cũng đã chú trọng quan tâm đến nhu cầu cũng như năng lực thực sự của cá nhân, quan tâm đến chất lượng của công tác giáo dục hướng nghiệp.
Các trường này đã làm tốt công tác phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để có sự hướng nghiệp đúng đắn cho các em học sinh. Nhiều trường dạy nghề đã đến tận các trường THPT thực hiện tư vấn tuyển sinh, trao đổi, hướng nghiệp cho học sinh. Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Hùng Vương (quận 5) Nguyễn Đắc Hiển cho biết: Năm học 2015 - 2016, nhiều trường THCS đã quan tâm đưa học sinh đi thực tế ở các trường nghề, điều này góp phần tác động đến việc chọn học nghề của một số em.
Vì sao hiệu quả chưa cao?
Dù công tác phân luồng đạt đạt được kết quả khả quan, nhưng theo các chuyên gia giáo dục thì công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh từ bậc THCS vẫn chưa thực sự “đột phá” so với tầm vóc của ngành Giáo dục thành phố mà chỉ dừng lại ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”.
Vì thế, vừa qua vẫn còn nhiều học sinh học lực yếu, trung bình tiếp tục đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập. Theo phổ điểm chuẩn mà Sở GD&ĐT TPHCM vừa mới công bố cho thấy, điểm của nhiều thí sinh rất thấp. Trong ba môn thi Toán, Văn (hệ số 2) và Ngoại ngữ (hệ số 1), nhưng nhiều trường THPT ở quận ven, huyện ngoại thành như Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh chỉ lấy điểm chuẩn từ 13,25 - 15 điểm. Như thế cộng thêm cả điểm học nghề từ 1 - 2 điểm, bình quân mỗi môn học, học sinh chỉ cần đạt từ 2 - 3 điểm là đã đậu vào lớp 10 công lập.
Những năm gần đây, cứ đến mùa tuyển sinh, các trường nghề, TCCN ở TPHCM lại chạy đôn chạy đáo để “chiêu mộ” học viên, nhưng con số tuyển sinh mới ngày càng ít và không ít trường đang trong tình trạng teo tóp, hoạt động cầm chừng. Vì sao học sinh rớt lớp 10 công lập cũng ngoảnh mặt, quay lưng với trường nghề? Lý giải thực tế đáng buồn này, nhiều trường nghề cho rằng, “chỉ khi nào hết cơ hội, học sinh mới chọn học nghề”.
Và trước mắt, với cánh cửa rộng hơn đang chào đón (thí dụ như trường THPT ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên), học sinh chỉ coi trường nghề là lựa chọn cuối cùng. Hơn nữa, học sinh cũng thích chọn trường trung cấp chuyên nghiệp hơn là trường nghề, vì cơ hội liên thông lên cao đẳng thuận tiện hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục thì để học sinh yên tâm gắn bó trường nghề, với nghề đã chọn, cần điều chỉnh chương trình khung dạy văn hóa và rút ngắn thời gian đào tạo nghề quá dài như hiện nay. Chuyên gia lao động - việc làm - dạy nghề Trần Anh Tuấn (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn phát triển dạy nghề, TPHCM cần có chiến lược quy hoạch lại mạng lưới trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp và thực hiện phân luồng học sinh hợp lý hơn.
Trong khi việc chiêu sinh học nghề ngày một khó, thì cùng một khu vực, địa bàn lại có hàng chục trường cùng tuyển sinh ngành nghề đào tạo như nhau. Và tình trạng dư trường nghề, dư công suất đào tạo nghề, nhưng lại thiếu trường có quy mô đạt chuẩn, sẽ không đáp ứng nổi yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, có tay nghề cao cho phát triển và hội nhập quốc tế
Một hiệu trưởng một trường THPT ở quận 9 (TPHCM) thẳng thắn thừa nhận, lẽ ra những học sinh có lực học yếu, trung bình khá thì trường THCS nên tư vấn để các em chọn học nghề ngay chứ không nên thi vào lớp 10.
Bởi lẽ, dù đậu lớp 10 nhưng chương trình học ở bậc THPT rất nặng nên học sinh khó theo kịp và đuối dần. Cuối cùng, nhiều học sinh học hết lớp 10 đã bỏ học, phải chọn trường nghề cho vừa sức. Như vậy, sẽ lãng phí thời gian, công sức của học sinh, của ngành Giáo dục.