Làm việc với đoàn công tác có ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT và đại diện các sở, ban ngành, thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.
Sẵn sàng nhân, vật lực cho các khâu Kỳ thi
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình – ông Đinh Văn Khâm cho biết: Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Ninh Bình có tổng số 11.079 thí sinh; 24 điểm thi chính thức và 24 điểm thi dự phòng, 485 phòng thi. Các điểm thi được đặt tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh.
Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho gần 200 CB, GV là lãnh đạo, trưởng phòng ban của Sở; lãnh đạo, Phó hiệu trưởng và GV phụ trách phần mềm quản lý thi của các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX huyện/thành phố…
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng cho biết, Hội đồng thi Sở GD&ĐT Ninh Bình đã xây dựng Kế hoạch, quy trình in sao đề thi theo lịch trình, quy định của Bộ GD&ĐT.
Địa điểm in sao đề thi được bố trí đảm bảo an toàn, biệt lập, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định, cửa sổ các phòng đóng kín và niêm phong; các khoảng trống thông ra bên ngoài được bịt kín bằng vật liệu bền chắc; quạt thông gió được lắp đặt lưới mắt nhỏ cố định bên trong đảm bảo đúng quy chế.
Công tác vận chuyển và bàn giao đề thi, túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm cho các điểm thi được thực hiện 1 lần trong ngày 6/7. Sở GD&ĐT bố trí 2 đoàn vận chuyển, bàn giao đề thi, túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm trực tiếp tại 24 điểm thi…
Tại các Điểm thi, đã và đang bố trí đủ số phòng thi chính thức và phòng thi dự phòng. Các phòng thi đều có quạt mát, điện sáng, bàn ghế đủ chỗ ngồi cho thí sinh dự thi đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các thí sinh là 1,2m. Tại các điểm thi đều có phòng chờ cho thí sinh đảm bảo các điều kiện theo quy định...
Đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống dịch
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, để đảm bảo phòng, chống dịch suốt Kỳ thi, các phòng y tế đã được chuẩn bị đầy đủ thiết bị, vật dụng cơ bản theo yêu cầu để xử lý tình huống phát sinh, nhất là liên quan đến dịch Covid-19.
Tăng cường dung dịch sát khuẩn tay, xà phòng rửa tay, khẩu trang, nhiệt kế hồng ngoại... Thường xuyên cập nhật CB, GV, NV, HS thuộc diện F0, F1, F2, báo cáo về Sở GD&ĐT.
Tại các điểm thi, theo chỉ đạo của Sở Y tế, đã chuẩn bị các test nhanh kháng nguyên để kiểm tra đối với thí sinh phát hiện bị ho, sốt trước, trong mỗi buổi thi.
Đã xây dựng phương án dự phòng đối phó các tình huống bất thường (thiên tai, mưa, bão). Tại 24 điểm thi dự phòng ở gần các điểm thi chính thức đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi trong tình huống bất thường.
Các nhà trường nơi đặt điểm thi chính thức cũng đã hợp đồng với các nhà hàng có đủ năng lực, uy tín, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp các bữa ăn, nước uống cho cán bộ làm thi trong các ngày; bố trí nơi ăn nghỉ cho cán bộ, giảng viên của các trường ĐH...
Tại khu vực chấm thi trắc nghiệm, làm phách bài thi,.. công an tỉnh sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh, an toàn trong tất cả các ngày làm việc của Ban.
Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, không căng thẳng
Sau khi kiểm tra trực tiếp tại Trường THPT Yên Khánh B (huyện Yên Khánh); phòng lưu trữ đề thi, bài thi; khu vực in sao đề thi; chấm thi…, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt và chuẩn bị chu đáo của Ninh Bình cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra...
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý Ban Chỉ đạo thi tỉnh Ninh Bình tổ chức kì thi nghiêm túc mà không căng thẳng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Dù Ninh Bình đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thành công nhưng không chủ quan vì tính chất 2 kỳ thi không như nhau. Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt chất lượng cao đòi hỏi việc tổ chức phải công bằng, khách quan, nghiêm túc, không chủ quan, tăng cường nhận thức đầy đủ về Kỳ thi…
Phải xây dựng phương án, kế hoạch kĩ càng chi tiết cho kỳ thi với phương châm 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm.
Cùng đó cần tập huấn kĩ càng quy chế cán bộ làm thi, nếu cán bộ làm thi chưa thuộc quy chế thì nhất định không sử dụng. Chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất tốt như phòng thi, phòng chờ.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất; thậm chí có thể tổ chức kiểm tra vào ban đêm việc bảo mật đề thi, bài thi của thí sinh. Tăng cường công tác thanh tra/kiểm tra. Chọn đúng người, giao đúng việc và kiểm tra thường xuyên.
Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lộ, lọt đề thi. Đồng thời, có phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các điểm thi.
Các điểm thi cũng cần xây dựng phương án ứng phó với những tình huống đột xuất, bất thường có thể xảy ra như: Mưa lũ, mất điện, ùn tắc giao thông hoặc trong quá trình thi xuất hiện thí sinh có biểu hiện ho, sốt…
Theo Thứ trưởng, Ban Chỉ đạo thi cần quán triệt cán bộ coi thi nhắc nhở thí sinh tuyệt đối không mang điện thoại hoặc các thiết bị, vật dụng… trái phép vào phòng, tránh bị kỷ luật, đình chỉ thi.
Đặc biệt phải phân loại, sàng lọc thí sinh diện F1, F2 một cách chặt chẽ, khoa học tránh để HS bị thiệt thòi....