Thế nhưng, sau một tháng áp dụng tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi ở các rạp chiếu trên toàn quốc, cho đến thời điểm này chủ đề kiểm duyệt phim tại Việt Nam lại “nóng” bởi vẫn còn những ý kiến trái chiều quanh cơ chế kiểm duyệt với nhiều điều bất cập.
“Nóng” chuyện kiểm duyệt
Ngày 1/1/2017, bảng phân loại phim theo độ tuổi được thông qua. Các rạp Việt có thể chiếu phim cấm người dưới 18 tuổi với đảm bảo những cảnh máu me, kinh dị, tình dục được giữ lại theo tiêu chí quy định.
Tuy nhiên, giới mê phim vẫn lo lắng dù đã có nhãn C18, một số “bom tấn” hành động vẫn sẽ bị Hội đồng kiểm duyệt cắt xén gây mất liên kết nội dung phim.
Tuần 10/2 là “liều thuốc thử” cực mạnh dành cho Hội đồng duyệt phim và khiến khán giả hồi hộp chờ đợi bởi có bốn bộ phim nhạy cảm cùng ra rạp: Fifty Shades Darker - 50 sắc thái: Đen (tình dục), John Wick: Chapter 2 (bạo lực), Rings (kinh dị) và Resident Evil: The Final Chapter (vừa bạo lực, vừa kinh dị).
Mới đây nhất, chỉ trong vòng 2 ngày ngắn ngủi, bộ phim John Wick: Chapter 2 đã phải hoãn lịch chiếu tới 2 lần do chờ kiểm duyệt. Thực chất lý do khách quan ở đây là quá trình chờ đợi hoàn thiện hồ sơ để chờ được ký giấy phép phát hành.
Bởi theo Hội đồng kiểm duyệt bộ phim này có khá nhiều cảnh bạo lực, Hội đồng phải xem đi xem lại, sau đó đề nghị nhà nhập phim cắt sửa cho phù hợp với tiêu chí của Việt Nam thì mới có thể hoàn thiện hồ sơ để ký giấy phép phát hành phim.
John Wick: Chapter 2 được phát hành tại Việt Nam với nhãn phân loại là C18 – cấm người dưới 18 tuổi, và thời lượng của phim được điều chỉnh còn 121 phút (so với thời lượng chính thức là 122 phút). Như thế có nghĩa là phim bị “cắt” đúng 1 phút.
Cùng với đó, bộ phim 50 sắc thái: Đen, sau sức nóng của phần 1, 50 sắc thái tiếp tục trở lại với phần 2 khiến công chúng Việt Nam mong ngóng, chờ đợi ngày phim ra rạp.
Khi công chiếu ở các nước khác trên thế giới, phần 2 50 sắc thái: Đen có bản gốc dài 118 phút và được dán nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi).
Sau khi kiểm duyệt ở Việt Nam, bộ phim chỉ còn lại 111 phút và dán nhãn 18+ (chỉ dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên). Những tưởng 7 phút bị cắt “chả đáng là bao” nhưng lại khiến khán giả vô cùng bức xúc, thậm chí phẫn nộ.
Một số người nhận định: “Phim 18+ thì cắt cảnh nhạy cảm, vậy để 18+ làm gì? Đã phân loại phim và cấm người dưới 17 tuổi rồi thì không nên cắt xén như vậy vì sẽ làm mất đi nội dung của bộ phim cũng như ý đồ của đạo diễn, thời buổi toàn cầu hóa rồi, nếu muốn xem phim đen thì chỉ cần có điện thoại hoặc máy tính là xem thoải mái cần gì phải đến rạp”.
Phù hợp với quy định pháp luật
Thực ra câu chuyện “cắt” phim không phải là chuyện mới. Trước khi Cục Điện ảnh áp dụng tiêu chí phân loại phim nói trên, dường như phim cứ có cảnh nóng là bị cắt. Việc này gây bất bình cho cả nhà sản xuất và khán giả.
Lý giải điều này, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, đại diện của Hội đồng thẩm định phim truyện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định Hội đồng đã làm theo đúng quy định pháp luật. “Chúng tôi đều dựa vào Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Bản quyền… để kiểm duyệt phim.
Không phải khi đã phân loại phim theo lứa tuổi thì các cảnh bạo lực hay tình dục được phổ biến rộng rãi hơn trước. Thông tư mới chỉ là để phân loại tác phẩm và khán giả hợp lý hơn. Việc phân loại cho phim theo lứa tuổi vẫn phải chịu sự tác động của các điều luật cấm trong hoạt động điện ảnh”.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, 50 sắc thái: Đen tuy dán nhãn C18 nhưng vẫn bị cắt bỏ một số đoạn là hợp lý. Bởi lẽ, nếu giữ lại, nó sẽ vi phạm những quy định về thuần phong mỹ tục, truyền bá sự đồi trụy qua nhiều kiểu làm tình.
Phương Tây có thể có quan niệm khác quanh chuyện tình dục nhưng ở ta là không phù hợp, cho dù khán giả từ 18 tuổi đều đã trưởng thành. Trưởng thành không có nghĩa là cái gì cũng nên xem.