Phần Lan sẽ thu học phí sinh viên ngoài EU

GD&TĐ - Đầu tháng 5, Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan đề xuất sửa đổi Đạo luật Đại học Phần Lan và Đạo luật Đại học Khoa học Ứng dụng...

Phần Lan dự kiến thu học phí sinh viên ngoài EU và EEA.
Phần Lan dự kiến thu học phí sinh viên ngoài EU và EEA.

Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan đề xuất thu học phí sinh viên ngoài Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) nếu họ học chương trình được dạy ngoài tiếng Phần Lan và Thụy Điển. Các chuyên gia lo ngại kế hoạch này làm giảm sức hấp dẫn của giáo dục Phần Lan.

Đầu tháng 5, Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan đề xuất sửa đổi Đạo luật Đại học Phần Lan và Đạo luật Đại học Khoa học Ứng dụng. Theo đó, sinh viên đến từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) và không thuộc Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) phải trang trải toàn bộ học phí nếu chương trình học được dạy ngoài tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển.

Ngoài ra, sinh viên ngoài EU hoặc EEA phải trả phí đăng ký du học Phần Lan. Điều này nhằm mục đích giảm các đơn đăng ký chất lượng thấp.

Bà Sari Multala, Bộ trưởng Khoa học và Văn hóa Phần Lan, cho biết: “Thu học phí nhằm cải thiện tài chính của các tổ chức giáo dục đại học và khuyến khích người nước ngoài học tập và ở lại làm việc tại Phần Lan”.

Thông tin Chính phủ Phần Lan sẽ thu học phí của sinh viên ngoài EU và EEA đã lan truyền từ cuối năm 2023 và nhận về những phản ứng trái chiều. Liên minh các hiệp hội học thuật và nghề nghiệp gọi phương án này là “thảm họa đối với các kế hoạch dài hạn của Phần Lan nhằm quốc tế hóa giáo dục đại học”.

Trước đây, Chính phủ Phần Lan đặt mục tiêu thu hút 15 nghìn sinh viên quốc tế vào năm 2030. Mục tiêu trên nằm trong nỗ lực giảm tình trạng thiếu việc làm và tái cân bằng tình trạng dân số già.

Theo GS Kai Nordlund, Phó Hiệu trưởng Đại học Helsinki, Phần Lan, việc sửa đổi đạo luật sẽ là nghịch lý khi so sánh với mục tiêu quốc tế hóa giáo dục vì nó khiến Phần Lan kém hấp dẫn trong mắt sinh viên quốc tế. Nhiều sinh viên chọn Phần Lan vì mức học phí thấp và ở lại sau khi tốt nghiệp để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Giáo sư Nordlund phân tích việc sửa đổi đạo luật sẽ tạo nên những tác động khác nhau đối với các trường đại học, tùy thuộc vào thực tiễn hoạt động của họ.

“Một số trường đại học trao học bổng rất cao cho sinh viên, đồng nghĩa thu nhập từ học phí của họ rất thấp. Những trường khác, ví dụ như Đại học Helsinki, thu học phí khá cao và trao ít học bổng hơn. Với những trường này, đạo luật mới không gây tác động mạnh mẽ bởi họ đã phần nào thu hồi được chi phí”, ông Nordlund phân tích.

Đồng quan điểm, ông Harri Hälvä, chuyên gia tiếp thị cao cấp chương trình “Du học Phần Lan”, thuộc Cơ quan Giáo dục quốc gia Phần Lan, cho biết: “Việc chuyển sang học phí toàn phần sẽ ảnh hưởng đến một số lĩnh vực giáo dục. Các trường sẽ phải tăng cường nỗ lực để khẳng định giá trị của mình và thuyết phục sinh viên quốc tế lựa chọn họ”.

Bên cạnh việc sửa đổi học phí, Chính phủ Phần Lan dự kiến thắt chặt các điều kiện đăng ký thường trú nhân, giấy phép cư trú… Điều này phần nào sẽ làm giảm sức hấp dẫn của Phần Lan trong mắt sinh viên quốc tế.

Theo THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.